|
Chùa Tam Chúc mùa lễ hội. |
Điểm đến nổi bật của Việt Nam
Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italia..., các tổ chức du lịch quốc tế, các tập đoàn quốc tế đang đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đại diện Japan Desk Hà Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế đang đầu tư tại tỉnh Hà Nam; Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội; lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch trên cả nước; các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch; các nhà đầu tư; các tập đoàn kinh tế…
Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2024 và kỷ niệm 134 năm ngày thành lập tỉnh (20/10/1890). Sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Nam, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Hà Nam.
|
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thuỷ phát biểu khai mạc. |
Bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Nam đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững
Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, bà Thủy cho biết hiện nay ở Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Melia Vinpearl Phủ Lý); sắp hoàn thành 1 khách sạn 5 sao nữa của tập đoàn BRG.
|
Du khách trải nghiệm Thiền trà - sản phẩm du lịch tâm linh tại chùa Tam Chúc. |
Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam đã hình thành như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai, Chùa Cây Thị, Chùa Phật Quang, Chùa Bà Đanh, Chùa Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang…; Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương… Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống như: cá kho Đại Hoàng, Trống Đọi Tam, lụa Nha Xá...
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định: "Với những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, là một trong những địa phương có cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch, tỉnh Hà Nam đã có những bước đi vững chắc trong việc khai thác các tiềm năng này. Đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến nổi bật của Việt Nam, gắn liền với giá trị văn hóa, tâm linh và thiên nhiên hùng vĩ".
|
Đoàn Famtrip khảo sát du lịch Hà Nam ngày 17-18/10. |
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2024, từ ngày 17 đến 18-10, Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nam tổ chức chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch Hà Nam như: Chùa cây Thị (huyện Thanh Liêm); Vương cung Thánh đường Sở Kiện (huyện Thanh Liêm); Sân golf Thiên Đường và Tổ hợp khách sản 5 sao do Tập đoàn BGR đầu tư (huyện Kim Bảng); Thưởng thức “Trà chiều du thuyền” trên lòng hồ Lục Nhạc; Tham gia trải nghiệm chương trình Thiền Chuông, dâng hương tại điện Tam thế … (Khu Du lịch Tam Chúc)
Chưa khai thác hết thế mạnh
Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành đã đóng góp ý kiến, chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch của Hà Nam hiện nay.
Bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Hà Nam vẫn chưa khai thác được hết. Bên cạnh thế mạnh, địa phương vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện để đẩy mạnh phát triển du lịch. Hà Nam chưa có quy hoạch du lịch bài bản và sự kết nối giữa các điểm đến để tạo thành hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn; giao thông nội tỉnh hiện có bất lợi cho phát triển du lịch; thiếu sự kết nối giữa các điểm du lịch nội tỉnh…
Nhiều ý kiến từ các đại biểu cho rằng, cơ sở hạ tầng du lịch Hà Nam còn thiếu (khách sạn, nhà hàng, đường xá, vệ sinh, các dịch vụ…); Chưa phát huy được thế mạnh của các dòng sông (sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ….); Thu hút đầu tư du lịch ở khu vực nông thôn của Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn; Các điểm vui chơi, giải trí còn ít và đơn điệu, đặc biệt là về đêm, khó thu hút khách lưu trú dài ngày; Thị trường khách du lịch của Hà Nam còn khá hạn chế, chủ yếu là khách từ Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng…
Tại Hội nghị, đại diện Sun World cho biết, đơn vị đang triển khai một loạt dự án vui chơi giải trí ở Hà Nam như: Công viên Sun World- Sun World Hà Nam; Công viên Lễ hội; Công viên Thể thao; Công viên Sinh thái; Công Viên Văn hóa, dự kiện sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2025- 2026.
|
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ tại Hội nghị. |
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới Hà Nam sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch để khách du lịch có thể trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm khác nhau. Để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt.
“Chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”- ông Trương Quốc Huy khẳng định.
Tỉnh Hà Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế.
Ngoài ra, Hà Nam cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng thực hiện.
|
Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, tập đoàn kinh doanh du lịch. |
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, tập đoàn kinh doanh du lịch: Tập đoàn Sun Group; Công ty Cổ phần Flamingo Redtours; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội; Công ty TNHH NN MTV Du lịch Công Đoàn Hà Nội; Công ty du lịch Vietravel, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội; Công ty TNHH Sự kiện và Lữ hành CỘNG; Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội; Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam với Sở Du lịch Bình Định và Sở VHTTDL Hà Giang.
PV