Giả thiết về việc tăng giá đến hơn 3.000 đồng/lít xăng đưa ra trong bối cảnh giá thế giới đang tăng mạnh và thuế môi trường chính thức được áp dụng với mức 3.000 đồng/lít từ 1/5 vừa qua.
Chia sẻ với BizLIVE, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết, thông tin dư luận vài ngày gần đây lo ngại giá xăng sẽ tăng mạnh do thuế bảo vệ môi trường tăng 300% là không chính xác.
Vị này lý giải, thuế bảo vệ môi trường tăng nhưng phần này đã được bù bởi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh theo các Hiệp định Việt Nam đã ký kết.
|
Diễn biến giá xăng từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2015. |
"Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh mới là nguyên nhân chính khiến giá xăng trong kỳ điều hành lần này sẽ tăng, mỗi doanh nghiệp đều đang phải chịu lỗ", vị này nói. Tuy nhiên, vị này không chia sẻ số lỗ chi tiết mà doanh nghiệp đang phải chịu. "Chúng tôi đã có báo cáo lên liên Bộ Công thương - Tài chính về vấn đề này", ông nói thêm.
Trong khi đó, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác chia sẻ, nếu không tính việc sử dụng Quỹ bình ổn, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu đã lên tới hơn 20.000 đồng/lít trong khi giá bán lẻ hiện tại đang ở mức 17.820 đồng/lít, chênh lệch khoảng 2.180 đồng/lít. Tương tự, với mặt hàng diesel, giá cơ sở cũng đã cao hơn giá bán lẻ tới 1.055 đồng/lít.
Theo thống kê mới nhất, giá xăng A92 trên thị trường Singapore đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, từ mức dưới 65 USD/thùng lên trên 80 USD/thùng.
Số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cũng cho biết, ngày 30/4, xăng A92 có giá 79,64 USD một thùng, dầu hỏa 76,82 USD một thùng, dầu diesel là 77,45 USD một thùng, dầu hoả là 76,82 USD một thùng, và mazut là 378,68 USD một tấn.
Cùng lúc, việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ điều hành lần này là việc khó có thể tính đến do trong 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trước đó, Quỹ bình ổn đã sử dụng và hiện đối với mặt hàng xăng Quỹ bình ổn đang được trích lập ở mức 991 đồng/lít, số dư còn lại không còn nhiều để bù giá.
Một điểm đáng lưu ý khác là theo quy định tại Nghị định 83, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu thực hiện theo 3 mức: khi yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 3%, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ tương ứng, trên 3-7%, thương nhân phải xin phép ý kiến liên bộ Công Thương - Tài chính, trường hợp giá tăng trên 7% phải báo cáo Thủ tướng.
Việc giá xăng dầu "trễ hẹn" tăng giá so với quy định tại Nghị định 83 và thông tin trước đó được đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương cùng với thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu đã được liên bộ Công Thương - Tài chính trình Thủ tướng vào sáng qua (4/5) cho thấy rất có thể giá xăng dầu sẽ tăng ít nhất 7%, tương đương khoảng 1.209 đồng/lít.
Theo BizLIVE