Giá “bèo” bay thủy phi cơ quanh Vịnh Hạ Long

Google News

Ngày 9/9 tới, dịch vụ bay bằng thuỷ phi cơ từ Hà Nội đi Hạ Long và ngược lại, bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long chính thức vận hành...

Ngày 21/8, hai chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX thuộc thế hệ hiện đại nhất của Mỹ về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ngày 9/9 tới, dịch vụ bay bằng thuỷ phi cơ từ Hà Nội đi Hạ Long và ngược lại, bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long chính thức vận hành...
Đại diện nhà sản xuất trao chìa khoá cho Tổng giám đốc Hải Âu, Lương Hoài Nam. 
Ông Lương Hoài Nam, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Hải Âu cho biết: Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX là loại thủy phi cơ hiện đại nhất của Mỹ.
Máy bay có sức chở tối đa 12 hành khách, tốc độ bay khoảng 300 km/h, có khả năng cất hạ cánh cả trên sân bay thông thường và trên mặt nước (biển, sông, hồ).
Máy bay sẽ bay ở độ cao 150m – 3.000m so với mặt nước biển để phục vụ khách ngắm cảnh và chụp ảnh. Dự kiến đến tháng 12/2014, chiếc thủy phi cơ thứ ba sẽ về Việt Nam, với tổng kinh phí đặt hàng cho cả ba máy bay là 10 triệu USD.
Ngày 9/9, hãng sẽ đưa các máy bay thủy phi cơ này vào khai thác phục vụ du lịch, trước mắt là tuyến Hà Nội - Hạ Long và bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long.
Dịch vụ bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long có chuyến 25 phút với giá 5 triệu đồng/ người và chuyến 40 phút với giá 7 triệu đồng/người. Trong giai đoạn đầu, hãng sẽ giảm giá 50% kinh phí chuyến bay.
Trong tương lai, Hải Âu mở rộng dịch vụ du lịch bằng thủy phi cơ ra khu vực phía Nam (giữa TP HCM và các điểm du lịch tại Khánh Hoà, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Côn Đảo, Phú Quốc).
Hãng cũng sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ du lịch cao cấp cho khách hàng, bao gồm các dịch vụ bay vận chuyển du lịch, bay ngắm cảnh, bay thuê chuyến theo yêu cầu của các cá nhân và tổ chức.
Thủy phi cơ có thể cất hạ cánh cả dưới nước và trên bộ.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục phó Cục hàng không Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia biển, nhiều sông hồ rất thích hợp với loại hình thuỷ phi cơ.
Chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không là khai thác tiềm năng quý giá của bầu trời; vì thế trong quá trình Hải Âu ra đời, cơ quan chức năng đã chủ động khảo sát thực tế tại nhiều nước, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động.
Thuỷ phi cơ là loại máy bay tầm thấp, tốc độ không cao nên vấn đề an toàn có nhiều thách thức với cơ quan quản lý. Trong đó, với thuỷ phi cơ, lần đầu tiên hai ngành hàng không phải xử lý mối quan hệ với ngành hàng hải; quy định về độ cao của sóng, phân luồng tàu thuyền để cho thuỷ phi cơ hoạt động.
Ông Thắng khẳng định: Cục sẽ tìm cách tháo gỡ và tạo điều kiện tối đa cho DN, giúp dịch vụ thủy phi cơ phát huy thế mạnh du lịch tại Việt Nam.
Theo Tiền Phong