Điệp khúc mất điện mùa nóng, chiêu tăng giá của EVN?

Google News

(Kiến Thức) - Điện bị cúp liên tục khiến người dân vô cùng bức xúc khi đang sống giữa đợt nóng cao điểm. Liệu đây có phải là động thái nhằm tăng giá điện của EVN trong thời gian sắp tới?

Trách nhiệm của EVN ở đâu?

Phát ngôn với báo giới, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) khẳng định, mùa hè năm nay, sẽ không cắt điện và sữa chữa điện khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C. Tuy nhiên, tại một số khu vực ở Hà Nội, tình trạng mất điện vẫn xảy ra liên miên. Điện mất vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, ngay cả ban đêm khi mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đã gác lại, khiến giấc ngủ của họ bị xáo trộn. Đặc biệt, đối với những gia đình có con nhỏ thì việc mất điện quả là một cực hình. Người dân quá bức xúc đã phản ánh đến các cơ quan báo chí. Mất điện giữa thời điểm nắng nóng oi bức cũng là đề tài bàn tán xôn xao trên các diễn đàn mạng trong những ngày qua.

 Người già, đặc biệt trẻ nhỏ là đối tượng khổ nhất khi mất điện

Lý giải việc mất điện, EVN Hà Nội cho biết, do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hệ thống quá tải gây nhảy automat dẫn đến mất điện. 

Tuy nhiên, lý giải này của EVN Hà Nội không thực sự thuyết phục người dân trong khi họ đang phải đương đầu với cái nóng gần 40 độ C. Đa số người dân cho rằng, mất điện không thể đổ lỗi do người dân dùng nhiều dẫn đến quá tải. Điện lực Hà Nội cần kiểm tra đánh giá dựa trên nhiều yếu tố: Khi làm dự toán hệ thống cung cấp điện thì dự toán thế nào? Có tính đến yếu tố tương lai không hay chỉ khảo sát hiện thời? Thi công có đúng thiết kế không? Các khí cụ điện khác có đúng với thiết kế không hay lại dùng hàng kém chất lượng? Công tác bảo trì bảo dưỡng thế nào?

Mặc dù khẳng định không cắt điện hoặc sửa chữa điện khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C nhưng trong thông báo trên website của EVN Hà Nội vào ngày 19/5, thì lịch cắt điện vẫn xảy ra đối với một số khu vực thuộc huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân, huyện Mê Linh, quận Hà Đông, huyện Mỹ Đức, huyện Quốc Oai, huyện Ứng Hòa.

Có khu vực như quận Thanh Xuân và quận Hà Đông, người dân ở một số khu vực ở 2 quận này phải chịu cảnh nắng nóng cả ngày khi bị cắt điện từ 5h-16,17h. Một số khu vực ở quận Quốc Oai cũng bị cắt điện từ 0-18h. Có khu vực tình trạng mất điện xảy ra vào ban đêm như quận Gia Lâm (23h-0h), huyện Ứng Hòa (22h-24h). Một số khu vực khác cũng bị cắt điện trong vòng vài tiếng. Lịch cắt điện được đưa ra với những lý do như: Nâng công suất máy biến áp, chống quá tải; Lắp đo đếm cao thế; Sửa chữa hạ thế...

Dù cắt điện, cả ngày, nửa ngày hay vài tiếng thì cũng đều ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt cũng như kinh doanh của người dân. Vậy trách nhiệm của EVN Hà Nội ở đâu khi tuyên bố một đằng nhưng thực hiện lại một nẻo?

Chiêu tăng giá điện của EVN?

Theo EVN Hà Nội, nhiệt độ tăng cao, làm cho phụ tải sử dụng điện tăng đột biến, chênh lệch khá lớn về sản lượng điện tiêu thụ của ngày bình thường. Đặc biệt, ngày 16/5, nhiệt độ nhiều khu vực ở Hà Nội lên đến trên 40 độ C, sản lượng điện là 48.800 MWh, tăng 12% so với ngày cao điểm nhất của năm 2012 (43.581 MWh vào ngày 16/7/2012), tăng hơn 17,85% so với sản lượng cực đại năm 2011 (41.408 MWh), tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2012 (33.212 MWh).

Về sự cố mất điện, EVN Hà Nội cũng đã gửi cáo lỗi với khách hàng và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ. EVN cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm bằng cách ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn khi không sử dụng. Đồng thời EVN Hà Nội cũng theo dõi sát sao diễn biến phụ tải, tình trạng vận hành của các trạm biến áp... để cấp điện linh hoạt hợp lý.

Tuy nhiên, một số người dân vẫn đặt ra nghi vấn: Cứ mùa nóng điện bị cúp liên tục thì sau đó là tăng giá điện. Sao việc nâng cấp đường dây và trạm biến áp không thực hiện vào mùa mát mẻ mà cứ đợi nắng nóng nhất mới làm?

"Cắt rồi lại tăng, nhưng tăng rồi vẫn cắt. Bao nhiêu năm rồi đều thế, có gì thay đổi đâu" - một độc giả chua chát.

Hơn nữa, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, người người nhà nhà đều phải tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu... vậy tại sao EVN Hà Nội vẫn khẳng định là do nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên hệ thống quá tải? Đành rằng thời điểm nắng nóng, nhu cầu điện có tăng so với các mùa khác trong năm. Nhưng nếu so sánh với các năm trước đây thì có phải là tăng đột biến? Hay đó chỉ là cái cớ để gây áp lực tăng giá điện như những năm trước đây mà người dân đang lo ngại?
Hồng Luân (Tổng hợp)