Thời tiết nắng nóng kéo dài, có thời điểm nền nhiệt lên đến 40 độ C khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Chỉ cần mỗi khu vực ở Hà Nội mất điện khoảng 1-2 tiếng đồng hồ đã đủ khiến không ít người “chao đảo”.
Đêm muộn ngày 2/7, anh Hoàng Thọ (26 tuổi) trú tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) phải “sơ tán” ra… đầu ngõ để hóng gió vì điện mất bất ngờ. Cả khu phố tối om, trong cái nóng hầm hập, các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện đều không thể hoạt động khiến cái nóng càng trở nên khó chịu.
Anh chia sẻ: “Nắng nóng quá, suốt 1 tiếng đồng hồ mất điện, không quạt, không điều hòa thì chịu sao được. Cuối cùng, tôi đành ra khỏi nhà, đêm hôm ra ngõ ngồi hóng gió". Không chỉ mệt mỏi vì mất điện, anh Thọ còn lo lắng tình trạng điện chập chờn do quá tải có thể khiến đồ điện trong nhà bị hỏng hết, nhất là tủ lạnh với điều hòa.
Cũng rơi vào thảm cảnh mất điện, nóng bức, song chị Phương Thảo (trú tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) phải “cầu cứu” 2 lần nhà người quen có điện. Chị chia sẻ: “Thấy mất điện, tôi định ôm con sang nhà chị gái ở Thanh Xuân. Ai dè, gọi điện thì khu đó mất điện, đành hỏi thêm người nhà ở An Dương, hóa ra bên đó cũng mất, mà lúc có cũng chập chờn. Cuối cùng hai mẹ con đành chờ có điện. Trong lúc chờ đợi thì lên tầng thượng, cả nhà ngồi "vợt" gió. Nhưng vừa có điện được khoảng 15 phút thì lại mất, sau đó, điện chập chờn hai lần. Điều hòa bật 17 độ mà không kịp làm mát".
Không chỉ chị Thảo, khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều người cũng nhốn nháo tìm cách đối phó với tình trạng mất điện, điện chập chờn làm hỏng đồ đạc.
|
Không ít người lo mất điện nóng bức, điện chập chờn khiến đồ đạc trong nhà nhanh hỏng. |
Chị Hoàng Minh than thở trên trang Facebook cá nhân về việc đồ dùng, thiết bị điện trong nhà sắp “ngỏm” vì điện chập chờn. Chị cho biết, gia đình ở trong căn phòng trọ rộng 20m2 ở đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội). Căn phòng trọ rất nóng nên chỉ có bật điều hòa mới “cứu cánh” được ngày hè. Tuy nhiên, phòng chưa kịp mát thì mất điện, đồ đạc trong nhà cứ như được “rang” trên chảo, không khí ngột ngạt. Điện lúc có, lúc mất khiến điều hòa bật/tắt liên tục. Chị lo người ốm mà đồ đạc cũng giảm "tuổi thọ" theo.
Theo kỹ sư Hoàng Quân (công ty điện lạnh Bách Khoa): "Nếu dòng điện không ổn định, chập chờn dễ ảnh hưởng đến các thiết bị như máy tính, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ. Nhất là với tủ lạnh đã cũ, gia đình nên kiểm tra ổ cắm, nguồn điện để tránh quá tải và cháy nổ. Khi mất điện hoặc cần lau chùi tủ lạnh, phải rút dây ra khỏi ổ cắm, xong phải để tủ nghỉ 10 – 20 phút hãy cắm điện lại. Tương tự với điều hòa nhiệt độ, cũng nên chờ có điện ổn định mới bật trở lại. Nếu nguồn điện sử dụng cho máy tính thường xuyên chập chờn người dùng nên đầu tư bộ lưu điện UPS, có thể lưu được điện 5-30 phút sau khi mất điện, đủ thời gian sao lưu dữ liệu và tắt máy tính".
Các thiết bị điện tử cũng cần có nguồn năng lượng cung cấp, nếu sự cố điện sụt hoặc mất đột ngột, thiết bị sẽ bị cháy ngay lập tức, cái nào vẫn hoạt động được thì cũng đã bị suy giảm - kỹ sư Hoàng Quân cho biết thêm.
Đại diện Công ty điện lực (EVN) Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến gây ra hiện tượng quá tải cục bộ. Thời điểm người dân sử dụng điện nhiều nhất vào 14h hàng ngày. Nhiều khu vực ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hà Đông, attomat tự ngắt điện do quá tải. Với tình huống này, các công nhân điện nhanh chóng đến khắc phục.
EVN Hà Nội cũng khuyến cáo các hộ dân nên sử dụng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, hạn chế dùng nhiều thiết bị cùng lúc, dễ gây quá tải.
Ngọc Linh