Mới đây, nhà vệ sinh công cộng "hạng sang" có địa chỉ ở số 38 Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được đưa vào sử dụng để phục vụ người dân và du khách. Đây là nhà vệ sinh được cải tạo trên nền nhà vệ sinh công cộng cũ.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người khi vào đây sử dụng nhà vệ sinh này đều tỏ ra khá bất ngờ và thích thú.
|
Nhà vệ sinh được đầu tư với trang thiết bị khá cao cấp. Ảnh: Hồng Phú |
Bà Nguyễn Mai Lan (36 tuổi, Hà Nam) chia sẻ, bà làm nghề bán hàng rong ở quanh quận Hoàn Kiếm được gần 5 năm. Trước đây, bà cũng hay lui tới sử dụng nhà vệ sinh ở đây, nhưng lúc ấy nhà vệ sinh cũ khá bẩn, chật chội và hôi hám. "Ngày trước, đi vệ sinh lần nào tôi cũng đi vội vàng cho xong. Nhưng gần nửa tháng nay, vào nhà vệ sinh này, tôi khá bất ngờ. Nói thật, tôi chưa bao giờ được vào nhà vệ sinh công cộng nào thơm và mát như thế này, lại còn có cả gương soi, giấy vệ sinh nữa. Trước kia, những thứ này làm gì có…", bà Lan nói.
|
Chị Đỗ Thị Ngần (một người dân) chia sẻ: "Vào đây rất dễ chịu, nhiều khi còn có cảm giác được thư giãn". Ảnh: Hồng Phú |
Tương tự, ông Trần Văn Châu (56 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chạy xe ôm ở đầu ngõ Chả Cá, từ ngày nhà vệ sinh này được làm lại, tôi thường xuyên ghé vào đây hơn. Mặc dù ngay gần chỗ tôi làm cũng có một nhà vệ sinh khác nhưng rất bẩn, thỉnh thoảng mới có người dọn dẹp vệ sinh, mà giá cũng 2.000 đồng/lượt. Đến đây tuy hơi xa và thêm chỉ 1.000 đồng, nhưng sạch sẽ, thoải mái, mát mẻ hơn. Có những trưa nắng nóng, tôi còn vào đây nói chuyện với ông dọn dẹp vệ sinh để tránh nóng".
Còn với những hộ dân ở gần nhà vệ sinh công cộng mới thì ai cũng tỏ ra vui mừng, bởi họ không còn phải chịu mùi hôi hám, cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu của nhà vệ sinh cũ nữa.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi, Hàng Giầy, Hà Nội) cho biết: Từ ngày nhà vệ sinh công cộng được cải tạo, đặc biệt khi đưa vào sử dụng, nhà bà Hạnh (cách đó 50m) đã không còn phải bịt mũi, nín thở mỗi khi đi qua đây nữa.
|
Phí vệ sinh 3.000 đồng/lượt. Ảnh: Hồng Phú |
Trao đổi với PV, bà Đào Xuân Diệp (Ban quản lý nhà vệ sinh, Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại và bất động sản Thăng Long) cho biết: Hiện lượng người vào nhà vệ sinh này không quá lớn, nhiều nhất chỉ gần 70 người/ngày. Phần lớn mọi người vẫn tỏ ra e ngại bởi sợ vào đây sẽ phải trả phí cao. Thậm chí, nhiều người còn ngập ngừng hỏi thu phí với giá bao nhiêu mới dám vào đi vệ sinh.
Bà Diệp cũng cho hay, tất cả các thiết bị đầu tư và nhân viên bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh tại đây đều là nguồn vốn xã hội hóa. Nhà vệ sinh này rộng hơn 50m2, gồm 3 phòng. Ngoài phòng nam, nữ còn có phòng dành riêng cho người khuyết tật. Bên trong mỗi phòng dành cho nam, nữ rộng hơn 20m2, phòng dành riêng cho người khuyết tật rộng khoảng 10m2. Các phòng đều được trang bị hệ thống điều hoà hai chiều.
Hiện đơn vị này cũng đang tiến hành cải tạo thêm 2 nhà vệ sinh khác với tổng nguồn vốn dự trù gần 2 tỷ đồng.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Đông (nhân viên dọn vệ sinh), tuy nhà vệ sinh khá hiện đại, thoải mái, nhưng nhiều người đến đây vẫn chưa có ý thức như đi không xả nước, sử dụng giấy vệ sinh lãng phí, hoặc xả nước rửa tay xong nhưng không tắt vòi…
Theo Ong Lý/Dân Việt