Đặc sản ngày Tết: Hàng “tiến vua” lên ngôi

Google News

Sâm cầm có giá 1 – 2 triệu đồng, chim công giá trên dưới 10 triệu đồng/con... là những đặc sản ngày Tết đang được nhiều đại gia săn lùng.

Chim trĩ, sâm cầm bạc triệu vẫn "cháy hàng"
Vào những ngày này, tại trang trại chăn nuôi gia cầm đặc sản của anh Trần Nhữ Giáp ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) luôn tấp nập khách đến mua. Hiện, trang trại của anh đang nuôi hàng chục loài gia cầm thuộc dòng quý hiếm như chim sâm cầm, le le, chim công… đều đã kín đơn đặt hàng đặc sản ngày tết này, và đang có nguy cơ “cháy hàng”.
Dac san ngay Tet: Hang “tien vua” len ngoi
 Chim trĩ bảy màu được nuôi trong trang trại của anh Giáp. Ảnh: Trần Quang
“Năm nào cũng thế, cứ vào giáp Tết Nguyên đán khách tìm đến đông, gia đình tôi và công nhân tiếp ngày đêm cũng không xuể, có nhiều khách đến không tiếp kịp phải ra về là chuyện bình thường” – anh Giáp chia sẻ. Theo khảo sát của chúng tôi, các loài đặc sản “tiến vua” như chim sâm cầm, le le... - vốn là các loài được săn bắt cạn kiệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đang được anh Giáp nhân nuôi khá thành công, nhưng do số lượng ít nên giá bán cao khoảng từ 900.000 đến trên 2 triệu đồng/con, tùy khách và thời điểm mua. “Hiện, trang trại đã nhận đơn đặt hàng hàng chục con, phần lớn cho các nhà có điều kiện, số lượng còn lại rất ít nên tôi phải bán cầm chừng” – anh Giáp tiết lộ.
Lý giải về thị hiếu của khách, anh Giáp cho biết, do sâm cầm chế biến được nhiều món ăn ngon đặc sắc như quay, rán, hầm, nướng; và món ăn từ loài chim này được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, một thời là vật phẩm tiến vua. Thịt sâm cầm với đặc tính thịt mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều thực khách săn đón.
Cũng theo anh Giáp, các loài đặc sản khác như chim trĩ đỏ, vịt trời… một phần do giá khá mềm (chỉ trên dưới 300.000 đồng/kg chim trĩ thương phẩm và gần 200.000 đồng/kg vịt trời) nên cũng được khách đặt mua rất nhiều, với số lượng lên đến hàng trăm con.
Đến trang trại nuôi chim công của ông Nguyễn Hữu Khởi ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vào dịp đầu tháng Chạp này, chúng tôi được ông Khởi cho biết, hiện có nhiều khách liên hệ qua điện thoại đặt hàng chim nhưng ông cũng không dám nhận, chỉ “hứa khéo” khách chờ đặt hàng tết năm sau.
Ông Khởi cho biết thêm, do năm nay thời tiết bất thuận nên việc nhân đàn chim công gặp nhiều khó khăn, số lượng có hạn, cả trang trại có khoảng trên 10 con được tuổi bán, còn lại là công giống và chim bố, mẹ. “Trung bình mỗi cặp công tôi bán cho khách trên dưới 20 triệu đồng, nhưng đến giờ cũng không có đủ để cung cấp” – ông Khởi chia sẻ.
Theo ông Khởi, chim công được khách săn mua nhiều do có vẻ đẹp tuyệt vời ở bộ lông dùng để trang trí nhà cửa, biệt thự; ăn thịt loài chim đẹp nhất thế giới này còn thể hiện cho sự giàu sang, quyền quý. Đặc biệt, theo Đông y, thịt chim công không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có khả năng giải độc cho cơ thể người rất tốt.
Phật thủ “bàn tay phật” đắt khách
Không chỉ các con đặc sản ăn Tết đắt hàng, mà những cây quả cảnh bonsai có hơi hướng tâm linh mới xuất hiện cũng được được mua nhiều như cây ngũ quả, phật thủ bonsai... Là một trong những chủ vườn được cho là có “máu liều” nhất đất Hoài Đức (Hà Nội) khi anh chọn hướng phát triển hàng phật thủ bonsai, đến giờ anh Nguyễn Phú Dũng ở xã Đắc Sở đã khẳng định được sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi hàng của anh luôn rất đắt khách. “Là mặt hàng mới, nhưng phật thủ bonsai của tôi được khách hàng biết đến và đặt hàng rất nhiều, gia đình cứ làm ra tới đâu là bán hết tới đó” – anh Dũng cho hay.
Dac san ngay Tet: Hang “tien vua” len ngoi-Hinh-2
Chị Nguyễn Thị Vân đang kiểm tra quả phật thủ được khách đặt giá hơn 1 triệu đồng tại vườn của gia đình ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang 
Cũng theo anh Dũng, do phật thủ bonsai nhỏ, gọn, giá mềm chỉ từ 500.000 đồng đến 2 – 3 triệu đồng/chậu đẹp, mỗi chậu có từ 3 - 5 hay trên 7 quả nên được khách hàng rất chuộng và mua nhiều.
Cũng trong tình trạng khan hàng như phật thủ bonsai, tại các nhà vườn kinh doanh sung cảnh cũng đang trong tình cảnh “cung không đủ cầu”. Anh Nguyễn Văn Long - chủ một nhà vườn ở huyện Hoài Đức cho hay: Tính đến thời điểm này, anh đã bán trên 20 cây sung cảnh sai quả, với giá tiền trung bình từ 5 đến trên 20 triệu đồng/cây. Theo anh Long, sung sai quả được nhiều người mua do có niềm tin sẽ mang lại sự sung túc, thịnh vượng, nên cứ vào giáp tết hằng năm khách lại đổ về nhà vườn mua nhiều.
Đang đến trang trại của ông Nguyễn Hữu Khởi xem chim công, anh Nguyễn Tuấn ở phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do có nhiều đối tác làm ăn bên ngành bất động sản, nên hàng năm cứ giáp Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng, dù công việc bận rộn tôi cũng cố dành thời gian để tìm, đặt mua phật thủ, chim công làm đặc sản biếu Tết”.
Theo Dân Việt