Với số liệu mới công bố này của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 7 năm nay tăng 2,68% so với cuối năm trước và tăng 7,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét bình quân 7 tháng đầu năm nay so với 7 tháng đầu năm trước, CPI tăng 6,81%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo giới chuyên gia, việc CPI tiếp tục tăng trong tháng 7 là do chịu tác động từ nhiều sự kiện như các đợt thi đại học và cao đẳng diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm và đặc biệt là quyết định tăng giá xăng dầu hai lần liên tiếp trong tháng 6, vào các ngày 14/6/2013 và 28/6/2013.
Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đối với rổ hàng hóa tính chỉ số CPI tháng 7 thể hiện rất rõ nét ở sự tăng giá của nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,34% so với tháng trước. Theo dự đoán, nhóm này nhiều khả năng sẽ còn “giữ nhiệt” trong tháng tới do tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7/2013 chưa ảnh hưởng đến CPI tháng này.
Ngoài giao thông tăng mạnh, hầu hết các mặt hàng thuộc rổ tính giá còn lại đều tăng nhẹ so tháng 6, duy có lương thực giảm 0,3%. Tuy vậy, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nói chung vẫn tăng nhẹ 0,1% do sự tác động của nhóm thực phẩm tăng 0,18% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%.
Từ trước đến nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn được coi là yếu tố sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là chiều hướng tăng. Vì không chỉ những ngành hàng bị tác động trực tiếp như giao thông sẽ có nhiều khả năng tăng giá mà kể cả với những mặt hàng khác cũng thường "tát nước theo mưa", gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh.
Trong tháng 7, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và USD tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt giảm 6,28% và tăng 0,68% so với tháng trước. Điều này sát với thực tế vì trong tháng này giá vàng thường xuyên giảm còn giá USD lại có nhiều thời điểm tăng “nóng”.
Lê Thịnh