Còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán, đây cũng là thời điểm cò vé tại các nhà ga, bến tàu lộng hành chào mời khách. Có mặt tại ga Hà Nội vào chiều 19/12, phóng viên Kiến Thức đếm được có tới hơn chục cò vé đang lượn lờ tại đây.
Cò vé đứng dọc đường Lê Duẩn, đường Trần Hưng Đạo hoặc "hành nghề" ngay trước cửa ga Hà Nội. Khi thấy khách đi xe tới hoặc đang có ý định hướng vào mua vé là cò chạy vội ra chào mời. Theo quan sát, các cò vé tại đây có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên, thậm chí có những cò vé tầm khoảng 70 tuổi vẫn đon đả, nhanh nhẹn chào mời khách.
Một cò vé khoảng 50 tuổi khi thấy phóng viên đi vào khu vực gửi xe thì tiến lại gần liên tiếp hỏi: "Mua vé không?". Khi khách gửi xe xong, cò nữ trung niên này áp sát gần hơn và thăm dò xem khách có nhu cầu đi đâu. Sau khi phóng viên trả lời muốn về Thanh Hóa vào ngày 25 Tết thì cò liền tuôn một tràng như pháo nổ. Nào là: "Đặt vé ngày đó khó lắm, em đưa chị ít tiền chị sẽ đặt hộ cho vì chị có quan hệ với nhân viên bán vé trong đó. Nếu em đi ghế giường nằm giá chỉ 500.000 đồng thôi". Chị cò này đòi phóng viên đặt cọc 250.000 đồng, để lại một vài thông tin cá nhân rồi sẽ đưa biên lai hẹn ngày trả vé.
|
Cò vé chèo kéo khách ngay trước cửa ga Hà Nội. Ảnh: Hải Sơn. |
Thực ra, theo niêm yết của ga Hà Nội, giá vé giường nằm về Thanh Hóa trong dịp Tết 2014 chỉ bằng một nửa giá vé mà cò đưa ra, vào khoảng hơn 200.000 đồng/vé. Vé ngồi thì rẻ hơn, giá chỉ bằng một nửa, khoảng 100.000 đồng/vé. Như vậy, nếu khách không lấy vé thì cò cũng không bị lỗ.
Cò vé ở ga Hà Nội cũng phân chia địa bàn hoạt động, vài cò sẽ phụ trách một khu vực như: 3 chốt dọc đường Lê Duẩn, 1 chốt ngay cạnh chỗ gửi xe, 1 chốt đối diện cửa ga Hà Nội, 1 chốt bên hông trái nhà ga, 1 chốt bên hông phải nhà ga... và còn nhiều chốt khác mà có lẽ cò đang lộng hành "bắt" khách.
Tại ga Hà Nội, có nhiều cò vé đã có 5-6 năm hoạt động trong nghề này. Có cò thì khoảng 1 năm trở lại đây mới thấy xuất hiện. Cò còn phối hợp với cả đội ngũ xe ôm ở đây để gia tăng thêm lượng "gà" mua vé. Theo cô Hà, bán nước tại khu vực nhà ga, cò hoạt động sôi nổi nhất là lúc trời tối. Lúc này, cò tha hồ chèo kéo khách qua cả mắt lực lượng an ninh, bảo vệ.
Theo anh Sang, đội cảnh sát quận Hoàn Kiếm được cử làm việc tại khu vực ga Hà Nội, 2 năm trở lại đây, khách đến mua vé tàu không còn tình trạng nhốn nháo như những năm trước. Đặc biệt, không còn tình trạng cò vé lởn vởn trong khu vực bán vé của nhà ga. Công tác an ninh, trật tự ở đây được tăng cường đến mức tối đa để tránh tình trạng đầu cơ vé tàu của các đối tượng cò vé hòng "chặt chém" hành khách.
Tuy nhiên, cũng theo anh Sang, khó có thể kiểm soát hết các cò vé tại đây, bởi ngoài khu vực nhà ga là địa phận quản lý của phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm). "Cò vé vẫn tiếp tục lộng hành, nếu không có đơn tố giác của hành khách với đầy đủ bằng chứng thì khó có thể bắt những đối tượng này được", anh Sang cho biết.
|
Hành khách mua vé tại các quầy bán vé tại ga Hà Nội. Ảnh: Hải Sơn. |
Khác với mọi năm, năm nay, ga Hà Nội lắp đặt hệ thống máy lấy số thứ tự tự động, khách đến đây sẽ phải nhấn nút lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt. Vào thời điểm 15h chiều 19/12, khách đến mua vé tàu Tết tại ga Hà Nội rất im ắng, không quá đông như thời điểm cận Tết. Thủ tục bán vé cho khách cũng nhanh gọn, được hiển thị thông qua màn hình nhỏ ngay trước quầy bán vé, nhân viên phục vụ thì tỏ ra hoạt bát vì lượng khách mua cũng không nhiều. Đối với những khách mua chuyến Hà Nội - Sài Gòn (hoặc chiều ngược lại), nhà ga yêu cầu khách phải trình chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ có ảnh khác. Theo quan sát của phóng viên, khách xếp hàng khá trật tự và mua được vé rất nhanh chóng.
Như mọi năm, ga Hà Nội vẫn dán các bảng thông báo về kế hoạch tàu Tết cùng giờ tàu chạy và giá vé cụ thể để hành khách nắm được và mua vé cho phù hợp. Các bảng thông báo được dán ở vị trí dễ nhìn nhất để hành khách có thể thông tin nhanh chóng.
|
Bảng thông báo về kế hoạch tàu Tết và giá vé của ga Hà Nội. Ảnh: Hải Sơn. |
Bên cạnh đó, ga Hà Nội còn lắp loa phát thanh nhằm thông báo về lịch trình bán vé và việc đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách, không có tình trạng "cháy" vé. Những cảnh báo của nhà ga về hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt khách của cò vé cũng được đưa ra.
Theo đó, nhà ga cảnh báo hành khách về hiện tượng một số đối tượng lợi dụng lòng tin của hành khách, dụ dỗ mua vé bằng nhiều thủ đoạn. Như việc nói với khách rằng mua vé tàu Tết rất khó, có thể không mua được nên muốn mua vé giúp khách. Cũng có đối tượng dùng "chiêu" mua được vé tàu rẻ hơn giá vé niêm yết của nhà ga để "dụ" hành khách mua vé. Chỉ cần khách ứng trước một số tiền, sau đó những đối tượng này sẽ ghi biên lai hẹn ngày trả vé cho khách. Tuy nhiên, những đối tượng này chỉ đưa cho khách vé của những lộ trình ngắn như Phủ Lý, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh. Những đối tượng này nói rằng đã thỏa thuận với nhân viên bán vé, khách cứ lên tàu đi như bình thường. Tuy nhiên, theo ga Hà Nội, đây chỉ là chiêu lừa đảo nhằm "móc túi" khách hàng của cò vé.
Ga Hà Nội cũng cho hay, có tình trạng để tư lợi, nhiều đối tượng đã bán vé giả, vé cũ được sửa lại cho hành khách.
Theo ga Hà Nội, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng cò vé nếu bắt được, ga còn xử lý nặng những nhân viên nhà ga nếu "móc ngoặc" với cò, thậm chí có thể bị buộc thôi việc.
Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội, hiện tại ga Hà Nội mới bán được một nửa số vé tàu Tết. Ngoài ra, nhà ga còn có phương án bán ghế phụ (giá bằng 80% giá vé thấp nhất của một chuyến tàu) nên hành khách không lo ngại việc thiếu vé. Hơn nữa, ga Hà Nội còn cử nhân viên trực tiếp xuống các khu công nghiệp bán vé cho công nhân về quê ăn Tết. Nhà ga cũng liên hệ với các trường đại học để bán vé ưu đãi cho sinh viên.
Được biết, ga Hà Nội mở bán vé tàu Tết từ ngày 1/10/2013 để tránh tình trạng chen lấn mua vé như nhiều năm. Ngoài việc bán vé trực tiếp tại ga, thông qua các đại lý bán vé, ga Hà Nội còn bán vé cho khách hàng qua điện thoại, qua tin nhắn SMS.
Hải Sơn