Quyết định của Ủy ban dựa trên kết quả đánh giá an toàn toàn diện được thực hiện bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA), cùng quá trình bỏ phiếu của các Quốc gia Thành viên phù hợp với quy định hiện hành của Châu Âu.
|
Ảnh: Châu Âu phê duyệt gia hạn sử dụng glyphosate thêm 10 năm (Nguồn: Leitenberger Photography) |
Việc đánh giá về tính an toàn của Glyphosate được tiến hành từ tháng 12/2019 khi Uỷ ban thành lập Nhóm Đánh giá về Glyphosate (Assessment Group of Glyphosate – AGG) và chỉ định một số quốc gia thành viên làm báo cáo viên bao gồm Pháp, Hungary, Hà Lan và Thụy Điển.
Quy trình đánh giá rà soát toàn bộ thông tin, bao gồm các nghiên cứu bắt buộc theo quy định của luật pháp Châu Âu với khối lượng tài liệu khoa học được xuất bản lớn chưa từng có. Tất cả các nghiên cứu này đều được đánh giá dựa trên mức độ phù hợp và độ tin cậy của chúng đối với quy trình đánh giá rủi ro, phù hợp với hướng dẫn liên quan của EFSA. Trong trường hợp cụ thể về glyphosate, quá trình đánh giá đã rà soát hơn 16.000 nghiên cứu đã xuất bản, lọc ra khoảng 2.000 nghiên cứu và cuối cùng lựa chọn được 780 nghiên cứu liên quan nhất. Trong quá trình lấy ý kiến công chúng về kết quả đánh giá do AGG thực hiện, AGG và EFSA đã bổ sung thêm 300 nghiên cứu vào quá trình đánh giá.
Kết quả đánh giá về tác động của Glyphosate đối với sức khỏe con người, động vật và môi trường của EFSA đã kết luận không xác định được quan ngại lớn nào để ngăn cản việc phê duyệt hay gia hạn Glyphosate. Kết luận của EFSA và tất cả các tài liệu cơ bản đều được đăng tải công khai trên trang web của EFSA.
Đối với quá trình biểu quyết, vào ngày 16/11/2023, Quốc gia Thành viên đã không đạt được đủ số phiếu cần thiết để gia hạn hoặc từ chối phê duyệt Glyphosate trong cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Kháng cáo (Appeal Committee). Việc biểu quyết diễn ra sau cuộc bỏ phiếu trước đó tại Ủy ban Thường vụ về Thực vật, Động vật, Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (SCOPAFF) vào ngày 13 tháng 10, trong đó các Quốc gia Thành viên cũng không đạt được đa số cần thiết để gia hạn hoặc từ chối gia hạn.
Theo quy định luật pháp Châu Âu về thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ với các quy tắc của Comitology, trong trường hợp không có đủ đa số điều kiện theo cả hai hướng, Ủy ban có nghĩa vụ pháp lý phải đưa ra quyết định trước khi hết hạn phê duyệt hiện tại (15 tháng 12 năm 2023).
Theo đề xuất lần này, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA), cùng với các Quốc gia Thành viên Châu Âu sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để gia hạn phê duyệt glyphosate trong thời hạn 10 năm tới, tuân theo một số điều kiện và hạn chế mới trong đó bao gồm việc hạn chế sử dụng vào giai đoạn thu hoạch và cần áp dụng một số biện pháp sử dụng nhất định để bảo vệ các sinh vật không phải mục tiêu.
PV