Cá lọc sẵn giá chỉ 20.000 đồng/kg
Sáng sớm 5/5, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu, nơi có hẳn một khu riêng khá “kín đáo” dành cho những người buôn bán cá. Từ 5h sáng, số lượng khách ra vào đây đã đông nghịt. Bên ngoài cổng, một người đàn ông trạc 35 tuổi tấp chiếc xe máy chở hàng vào rìa đường để vào gặp một tiểu thương quen thuộc, lấy một túi nilon cá trắm đã cắt khúc chừng 20 kg, sau đó trả 440.000 đồng rồi vội vàng lên xe đi ra. Quan sát của chúng tôi cho thấy, dù ngày nào cũng đến đây lấy hàng và khá quen với cái mùi này song chính người đàn ông đó cũng phải lấy tay che mũi để tránh mùi tanh và xú uế bốc ra từ gian hàng cá này. Nhiều loại
cá ươn giá rẻ, bốc mùi hôi thối vẫn được khách hàng chọn mua rất nhiều.
|
Cá ươn được các tiểu thương sơ chế ngay trên nền xi măng bẩn thỉu và rửa qua bằng chậu nước đã bốc mùi.
|
Tại khu bán cá, người bán hàng sơ chế cá dưới nền bê tông bẩn thỉu, bên cạnh là cống nước thải hôi hám. Cá sau khi mổ xong, đồ thải cũng được vứt bừa bãi ngay tại đó. Những túi cá đã cắt khúc, lọc thịt trông ngon mắt được đặt ngay bên cạnh những túi rác. Xương cá vương vãi khắp nơi dưới nền đất, ruồi nhặng bu kín. Kinh hãi hơn khi một tiểu thương bán cá tại chợ tiết lộ là xương cá này không bỏ đi, mà để cho các quán ăn đến xin về… nấu canh?!
|
Mới 6h sáng nhưng ruồi nhặng bâu quanh cá chết.
|
Qua khảo sát, chúng tôi bất ngờ bởi 1kg cá chép, cá rô chết ở đây là 15 - 20.000 đồng, chưa bằng 1/3 giá cá sống trên thị trường. Loại cá trắm lớn hơn cỡ 3kg/con cũng chỉ có giá 28.000 đồng/kg. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, hầu hết những con cá này chết đã lâu, bốc mùi khó chịu. Vậy nhưng, các loại cá chết này sau khi được sơ chế vẫn thu hút khách mua. Ở một quầy hàng cuối chợ, mới 7h sáng nhưng toàn bộ chỗ cá ước chừng khoảng 50kg đều đã có khách đặt mua hết. Người phụ nữ bán cá cho biết, chủ yếu phục vụ khách mua buôn với số lượng lớn nên chỉ khoảng 8h là đã có thể dọn hàng, về nhà. “Cá nhìn vậy thôi nhưng đảm bảo lắm, toàn nhập từ các huyện ngoại thành lên, không phải cá bẩn. Do đường xa, nên thường cá đánh bắt được họ dồn lại ướp bằng đá chừng 3 ngày rồi mới giao hàng nên trông không bắt mắt. Nếu biết cách sơ chế làm sạch, chiên giòn lại thơm phức ấy mà”, người chủ cửa hàng đon đả trả lời.
Theo tiết lộ của các tiểu thương, đắt khách nhất vẫn là cá trắm, cá trôi, cá chép và rô phi. Giá của mỗi kg cá lọc thành phẩm chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại và có người đến tận nơi lấy. Ngoài ra, các loại khác như cá chim, mè, trôi... chết cũng được bày bán với giá siêu rẻ từ 15.000 – 25.000 đồng/kg. Khu bán cá tại chợ này còn xen kẽ cả những hàng bán măng chua, nội tạng động vật, chả cá... Tất cả đều phơi hết lên nền đất bẩn, ngập nước và rác thải từ các hàng bán cá. Tiểu thương cũng chẳng ai có thời gian xua đuổi ruồi nhặng đậu khắp trên những đống thủy sản vứt lăn lóc khắp nền xi măng.
Khách mua sỉ cả lố cá chết
Tại chợ đầu mối này không khí xôm tụ nhất là vào lúc 5 – 7h sáng. Không chỉ bán buôn, tiểu thương ở chợ này cũng tăng cường bán lẻ phục vụ nhu cầu của người dân. Chị Hoa (Hoài Đức – Hà Nội), một tiểu thương bán cá có thâm niên tại đây cho hay, sáng nào chị cũng mang khoảng 1 - 2 tạ cá từ quê lên bán. “Tôi vừa bán buôn vừa bán lẻ. Bán buôn thì thích hơn vì chủ yếu các quán ăn mua, họ biết giá nên không kỳ kèo thêm bớt nhiều. Đặc biệt, những loại cá lớn đã chết và ướp đá nhiều hôm khó bán cho khách lẻ thì bán sỉ rất dễ vì giá cực mềm”, chị Hoa thẳng thắn. Theo một số tiểu thương tiết lộ: “Khách hàng quen thuộc của chúng tôi là các quán bún cá, quán cơm bình dân, nhà hàng nhỏ ở khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm, quanh bến xe Mỹ Đình… Họ đều đến đây mua cá đã lọc thịt hoặc cắt khúc sẵn. Vì quanh khu vực này thường tập trung nhiều sinh viên, công nhân lao động, hành khách đi xe”.
|
Những túi cá chết giá rẻ được xếp cạnh các thùng rác chờ người đến nhận hàng.
|
Nhiều thành phần khác như người lao động, công nhân thu nhập thấp và cả sinh viên cũng tìm đến đây để mua cá về ăn cho rẻ nhằm tiết kiệm chi tiêu. Chị Bài (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nấu cơm cho thợ xây cho biết: “Đợt này giá cả nhích lên, mấy bà hàng xóm mách tôi ra chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu mua cá về kho cho thợ, chỉ 10.000 – 20.000 đồng/kg thôi. Bình thường mua lẻ ở chợ này rất khó, nhưng bây giờ người bán lẻ la liệt, mua rất dễ mà giá đúng là rẻ hơn thật, mỗi tội không tươi lắm”.
Tìm hiểu về nguyên nhân cá ươn, cá bốc mùi bán nhiều ở chợ này, một thương lái chuyên cung cấp cá cho hay: “Phần lớn số cá được bày bán ở chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu được thu mua tại một số hồ cá ở Phủ Lư, Hà Nam. Vì là thu gom và vận chuyển thủ công nên khi đến chợ thì rất nhiều cá đã bị ươn”. Thương lái này cũng khẳng định nếu khách hàng muốn mua cá chết giá rẻ với số lượng lớn thì anh ta sẽ cung cấp đủ số lượng.
Ngoài ra, một số tiểu thương nhỏ lẻ còn thu mua cá chết tại các chợ đầu mối (điển hình là gom cá ở chợ đầu mối Yên Sở về đây bán). Do trời nắng nóng nên lượng cá chết rất nhiều và họ buộc phải đến chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu bán với giá rẻ (ở chợ lẻ, cá ươn, cá chết lâu không ai mua).
Điều đáng nói, trong suốt 2 tiếng từ 5 - 7h sáng ngày 5/5, chúng tôi ghi nhận hoạt động mua bán cá chết, cá ươn thối diễn ra tấp nập tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào đi kiểm tra, xử lí?
Người dân cố tình lừa nhau thì thật khó lường!
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ: “Cá bị ươn, thối thì thịt của chúng sẽ nhanh chóng bị phân hủy và sinh ra các độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ăn phải những loại cá này dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy… Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã quy định rất rõ việc cấm sử dụng các nguyên liệu đã bị ôi thiu bởi nó sinh ra rất nhiều độc tố. Thế nhưng thực tế, vì ham lợi nhuận nên không ít các chủ quán ăn, bún cá đã mua cả cá chết, cá ươn về để chế biến. Đây là một điều rất đáng buồn”.
Cũng theo lời chuyên gia này, để đánh lừa người người tiêu dùng, một số chủ quán ăn còn sử dụng chất tạo mùi để khách hàng không còn phát hiện ra thực phẩm ôi thiu. Việc làm này là vô cùng nguy hiểm, coi thường tính mạng của người tiêu dùng. “Thật khó có thể đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng bởi khi người Việt cố tình lừa nhau thì thật khó lường. Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng ở đâu khi thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định vẫn được bày bán tràn lan gây họa?”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đặt vấn đề.
Theo GĐ&XH