Xử phạt công ty sản xuất phân bón ép chín trái cây
Năm 2013, Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã có quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sinh học HPH (TP.HCM) về hành vi sản xuất phân bón “Trái chín” không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và buộc công ty thu hồi toàn bộ lô phân bón để xử lý theo quy định. Trước đó, Đoàn thanh tra Sở đã kiểm tra, tạm giữ hơn 650 chai “Trái chín” – một loại phân bón dùng để ép chín sầu riêng được bày bán ở các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Krông Pắk do công ty này sản xuất.
|
Bơm hóa chất vào mít (Ảnh: Báo Lao động). |
Trong vai người đi mua mít múi về mở lò sấy, chúng tôi đã xâm nhập vào các lò làm mít chín “siêu tốc” ở Đắk Lắk. Một điều dễ nhận thấy là để làm mít chín “siêu tốc”, các lò làm mít múi thường sử dụng các “thần dược” là các loại hóa chất, phân bón lá để ép mít chín. Cách sử dụng vô cùng đơn giản, với một quả mít xanh bình thường phải mất cả tuần đến nửa tháng mới chín, chủ lò chỉ cần khoét lỗ nhỏ trên quả, sau đó đổ một lượng hóa chất vào rồi ủ bạt lại. Chỉ sau một ngày, quả mít xanh non sẽ biến thành mít chín.
Ép chín mít “siêu tốc” bằng hóa chất Trung Quốc
Đến lò làm mít múi của ông B. (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk), chúng tôi thấy xưởng chế biến là nền xi măng bẩn nằm trước hiên nhà, xung quanh ngổn ngang từng đống vỏ, múi, hột mít. Cạnh đó, một đống mít trái vừa ủ thuốc đã được che bạt đậy kín bưng. Hỏi mua mít múi, ông B. huỵch toẹt: “Phải mua thật nhiều và thường xuyên thì mới bán”. Chúng tôi đặt vấn đề mít hái về phải mất non cả tuần đến nửa tháng mới chín thì cơ sở lấy đâu hàng cung ứng hằng ngày.
Ông B. cười: “Các anh chưa rành về làm mít múi rồi. Phải có bí kíp, đó chính là hóa chất”. Loại “thần dược” được ông B. “tín nhiệm” để ép chín mít là “hoa quả thúc chín tố” có nguồn gốc từ Trung Quốc vì loại này chín đều, không sượng. Mỗi gói thuốc có 20 ống.
Ông B. tiết lộ liều lượng sử dụng: 10 típ pha loãng với 1 lít nước rồi xịt đều cho 1 tấn mít, sau đó ủ lại, 1 -2 ngày sau là mít chín dù già hay xanh. “Liều lượng hóa chất dùng nhiều thì tốc độ ép chín càng nhanh. Chín nhanh thì múi mít không đẹp”, ông B. phân bua.
Cách lò của ông B. khoảng 4km, cơ sở làm mít của C. (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) nằm ngay trên nền đất giữa khu vườn nằm ngay trên nền đất giữa khu vườn cạnh nhà. Lò xưởng nhìn rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Mít trái, vỏ, hạt, xơ chất đống ngổn ngang với lá cây. Từng đàn ruồi bay vo ve, bu kín trên những quả mít thối. Công nhân bóc múi mít thuê ngồi bệt dưới đất, tay chân không có đồ bảo hộ lao động.
Thấy khách đến mua hàng, C. phân bua: Bản thân làm mít múi nhiều năm, cơ sở trụ được cũng nhờ sử dụng hóa chất. “Đi hái mít quả về, nếu chờ mít chín sẽ rất lâu, thậm chí cả tuần trời. Nếu cứ chờ mít chín tự nhiên thì không có hàng cung ứng cho đại lý, khi ấy sẽ lỗ, sập tiệm nên phải sử dụng hóa chất để ép chín”, C. giải thích. C. đang sử dụng hai loại hóa chất là “Chín trái” và “Hoa quả thúc chín tố”.
C. tư vấn cách sử dụng: Dùng dao khoét một lỗ trên thân quả mít. Lấy hóa chất đổ vào rồi chùm bạt lại cho đến 1 ngày sau thì lấy ra sử dụng. Việc sử dụng hóa chất nhiều hay ít tùy theo tính chất của quả. Quả càng non thì đổ càng nhiều, mít càng nhanh chín. Hiện cơ sở của C. cho ra lò mỗi ngày 1 tạ mít múi.
Trong khi đó, tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, nhiều cơ sở cũng đang áp dụng công nghệ làm mít múi bằng hóa chất. Cơ sở làm mít múi của ông T. nằm ngay phía sau nhà. Lúc đến nơi, một đống mít vừa được chủ cơ sở vào thuốc chất đống một góc.
Hỏi công nghệ làm mít, ông T. bật mí, phải có hóa chất, chứ nếu ủ không thì mít lâu chín, rất mất công chờ đợi. Việc sử dụng hóa chất sẽ giúp chủ lò rút ngắn được thời gian chín, vì thế mít múi sẽ được cho ra lò hàng ngày để cung ứng cho các đại lý. Loại hóa chất được ông T. sử dụng để “kiếm cơm” hàng ngày là “Hoa quả thúc chín tố”.
Về cách sử dụng, ông T. bày: Pha 6 ống hóa chất với nước. sau đó lấy cây sắt nhọn dui một lỗ trên quả mít rồi đổ hóa chất vào. Với cách làm này, mỗi ngày ông T. cho ra lò khoảng 1 tạ mít.
Huyện Krông Pắk và Ea Kar (Đắk Lắk) là hai vựa làm mít múi lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hàng trăm cơ sở, mỗi ngày cho ra lò hàng tấn mít múi. Mít múi thành phẩm sẽ được các lò mang đi bỏ mối cho các đại lý chuyên thu gom với giá 12.000 đồng/kg, sau đó các đại lý này sẽ sơ chế để mang đi tiêu thụ khắp nơi. Trong 6 cơ sở làm mít múi mà chúng tôi đã xâm nhập đột xuất, đều phát hiện có sử dụng “thần dược” để ép mít chín siêu tốc.
Ba loại thường được sử dụng để ép mít chín gồm “Hoa quả thúc chín tố”, “Chín trái” và “Phân bón lá HPC – 97- HXN…”, trong đó loại “Hoa quả thúc chín tố” được sử dụng rộng rãi nhất vì ưu điểm chín đều, ít sượng.
Các chủ lò còn tiết lộ, không chỉ ép mít nhanh chín, các loại “thần dược” còn phát huy công dụng ở các loại hoa quả khác như sầu riêng, chuối… Mang những hóa chất này về nhà thử nghiệm ở những quả mít, sầu riêng xanh, chúng tôi thu được kết quả là những quả mít này chín chỉ sau 1 ngày 1 đêm.
Mua “thần dược” dễ như mua rau
Theo các cơ sở làm mít múi, họ đã mua các loại “thần dược” trên tại các quầy bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Ghi nhận thực tế, “thần dược” ép chín mít siêu tốc rất dễ mua. Xâm nhập vào 2 cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất ở huyện Ea Kar là T.X và B.Đ, chúng tôi dễ dàng mua được 2 loại thuốc “Trái chín” và “Phân bón lá HPC – 97- HXN”, thậm chí có cơ sở còn cung cấp hóa đơn bán hàng cho khách hàng.
Riêng loại thuốc “Hoa quả thúc chín tố”, nhân viên đại lý bảo không có, có nơi bảo hết hàng. Trong khi đó, C. – chủ cơ sở làm mít múi ở thị trấn Ea Kar cho biết thường ngày vẫn mua thuốc “Hoa quả thúc chín tố” tại hai quầy trên… Việc chúng tôi không mua được, C. lý giải là do chúng tôi là do người lạ nên họ không dám bán vì loại này không được phép lưu thông trên thị trường.
Chúng tôi đã liên hệ với Phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT Đắk Lắk để hỏi xem các thần dược trên có nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN&PTNT hay không thì ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt cho biết: “Các đại lý phân bón có đầy đủ các hồ sơ sản xuất mà nhà sản xuất gửi đến, nên xuống đó đề nghị người ta cung cấp cho… Mình không thể trả lời nó được phép hay không được phép!?”.
Trên nhiều nhãn mác của các loại thuốc “thần dược” có ghi hướng dẫn sử dụng là pha loãng với nước rồi phun đều nhưng thực tế nhiều cơ sở không thực hiện đúng hướng dẫn. Nhiều cơ sở dùng vật nhọn để đục lỗ trên quả mít, sau đó đổ hóa chất vào. T. – người của một cơ sở làm mít ở xã Ea Dar, huyện Ea Kar thường sử dụng “thần dược” cảnh báo: “Chúng tôi chỉ đổ hóa chất vào cuống. Khoét lỗ rồi đổ hóa chất vào trái sẽ làm hóa chất ngấm vào múi, gây độc hại”.
Thông thường, để phân biệt mít chín tự nhiên và mít chín bằng hóa chất rất dễ dàng. Mít chín tự nhiên thường thơm, ngọt hơn so với chín bằng hóa chất. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cảnh báo: “Việc đổ trực tiếp hóa chất vào quả mít sẽ làm sản phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe không tốt cho người sử dụng sản phẩm”. Cũng theo bà Lan, việc các cơ sở sản xuất mít múi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tạo ra các mầm mống gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột.
Theo Đời sống pháp luật