Đó là cây chè cổ 200 tuổi được truyền từ đời này sang đời khác của gia đình ông Nguyễn Hữu Thư (70 tuổi, ở thông Giếng Cốc, xã Thạch Thất, Hà Nội). Mặc dù nhiều đại gia Hà Thành xuống hỏi mua với giá tiền tỷ nhưng ông Thư vẫn khăng khăng không chịu bán.
|
Toàn cảnh cây chè cổ 200 tuổi của gia đình ông Thư.
|
Theo quan sát của PV, cây chè cổ của nhà ông Thư cao bằng một căn nhà hai tầng khoảng 9 – 10m. Khác với những cây chè khác thân “mập”, lá to, cây chè này dù được gần 200 tuổi nhưng dáng thanh cao, lá mảnh nhỏ và xanh mướt.
Chủ nhân của cây chè, ông Thư chia sẻ: “Từ ngày xưa, dân ở đây hầu hết sống nhờ vào cây chè. Nhưng do nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, nhận thấy chè không đưa lại thu nhập cho người dân nên phần đa mọi người chặt đi để canh tác cây khác. Riêng nhà tôi giữ lại cây chè này và truyền từ đời cha ông chúng tôi cho đến bây giờ. Cây chè này có điểm đặc biệt đó là lá chè mang đi hãm nước uống rất ngon, ngọt miệng. Tôi đã có lần so sánh với chè mua ở chợ về nhưng quả thực nước lá chè mua ở chợ không thể sánh được”.
Chị Nguyễn Thị Vinh (38 tuổi, con dâu ông Thư) cho biết: “Bố chồng tôi coi cây chè này như vật quý trong nhà. Hằng ngày ông cày ông chăm bón, tỉa tót cho nó. Ông “thương” nó đến mức ông dặn mọi người trong nhà không ai được hái lá chè bằng dao, kéo vì sợ làm “đau” nó. Từ bao đời nay gia đình tôi chỉ uống nước từ cây chè này, nó trở thành thói quen nên thiếu là không chịu được”.
|
Chị Vinh đang hái lá chè vào để hãm nước chè mời khách. |
Tiếng lành đồn xa, biết gia đình ông Thư có cây chè cổ quý như vậy nên người đến hỏi mua cũng rất nhiều. “Từ khi tôi về làm dâu ở đây cũng đến 20 năm rồi, từ đó đến giờ thấy rất nhiều người đến hỏi bố chồng tôi để mua cây chè này. Họ trả giá cao lắm, có người trả chục triệu, hàng trăm triệu nhưng đỉnh điểm nhất là có một đại gia đến trả giá cả tỷ đồng nhưng bố tôi quyết định không bán. Mọi người trong nhà hết lời khuyên ông ấy bán đi để dành tiền cất nhà, cho mấy cháu học hành nhưng vẫn không thay đổi được quyết định của bố tôi”, chị Vinh chia sẻ.
|
Một phần cây chè cổ bị chặt đi do vướng tường nhà hàng xóm.
|
Được biết, cây chè cổ này gia đình ông Thư chỉ hái lá để uống và thi thoảng hàng xóm đến xin thì cho chứ chưa hề mang đi bán.
Ông Thư tâm kể: “Gần đây, nhiều người hỏi mua rồi ngỏ ý muốn đem máy móc đến đánh gốc cây đi nhưng tôi quyết không bán, kể cả người trả cây chè giá tiền tỷ. Với gia đình tôi, cây chè cổ này là bảo vật, là thành viên không thể thiếu của gia đình”.
Nhụy Hồ