Tràn lan chiêu trò quảng cáo “láo”, thổi phồng về sản phẩm
Tham khảo thông tin, mua sắm dược phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng là hình thức phổ biến của người trẻ hoặc dân văn phòng. Đối với khách hàng lớn tuổi hoặc các bà nội trợ, thì hình thức thông tin mua sắm chủ yếu qua truyền hình, báo đài. Nhận thấy khả năng có thể tác động, thu hút khách mua qua các kênh này, nhiều hãng khai thác triệt để thế mạnh của quảng cáo mạng, quảng cáo truyền hình, đưa những lời có cánh nhất để đến với người tiêu dùng nhanh nhất. Tuy nhiên, việc truyền thông, quảng cáo không dừng lại ở việc đưa thông tin đúng, đầy đủ mà nhiều công ty vì muốn trục lợi đã quảng cáo không đúng sự thật, gây tổn hại đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng.
Mới đây, theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, chỉ trong quý I/2016, đã có tới 20 công ty dược vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 480.457.000 đồng (Bốn trăm tám mươi triệu bốn trăm năm mươi bảy nghìn đồng). Trong đó, không ít công ty đã bị yêu cầu gỡ những nội dung quảng cáo vi phạm.
Gần đây nhất, quảng cáo phẩm thực phẩm chức năng viên nang Nhũ ngọc của công ty Cổ phần Thảo Mộc Thiên Bình (Địa chỉ: Đội 4, thôn Cát Thuế, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) trên nhiều website đã bị “tuýt còi” vì có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Mức tiền phạt cho việc quảng cáo không phù hợp của công ty này là 25 triệu đồng.
Cùng đó, công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Hải, Địa chỉ: Nhà số 3 D7, Khu đô thị mới Đại Kim, P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội đã nhận mức phạt 20 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Tiền đình Bảo Khang có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
|
Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng bị xử phạt vì quảng cáo không phù hợp. |
Việc người tiêu dùng không nhận biết được quảng cáo “láo” của các công ty dược, thực phẩm chức năng tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe và thiệt hại về tài chính khó đong đếm được.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: “Thiệt hại đối với người tiêu dùng do những thông tin, quảng cáo gây nhầm lẫn đã từng xảy ra. Hội đã từng tiếp nhận đơn và tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi cho những người tiêu dùng là nạn nhân của những quảng cáo gây nhầm lẫn. Đó là trường hợp thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo dùng cho người cao huyết áp, người bị di chứng do tai biến mạch máu não. Hậu quả là sau khi sử dụng, bệnh không thuyên giảm như quảng cáo mà lại trầm trọng hơn”.
Nhận biết chiêu quảng cáo không đúng sự thật
Để nhận biết những quảng cáo mập mờ, thổi phồng công dụng sản phẩm, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin mà hãng đưa ra trước khi quyết định bỏ tiền mua.
Theo một chuyên gia của Cục quản lý chất lượng: “Nếu đọc kỹ sẽ thấy điểm chung những quảng cáo không đúng sự thật là dành những lời “có cánh”, dễ gây hiểu nhầm, khẳng định hiệu quả tức thì của sản phẩm để đánh vào tâm lý của người đang bệnh “đi vái tứ phương”. Thậm chí có những quảng cáo còn khẳng định sẽ chữa lành bệnh hiểm nghèo nhờ thành phần dược liệu, thuốc quý, đưa lời khuyên người mua sử dụng đúng lộ trình để thoát bệnh”.
"Các quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật được đăng trên website hoặc trên truyền hình thường bỏ qua hoặc cố tình lờ đi những chi tiết cần thông tin cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như thông tin “sản phẩm không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” thường được đọc lướt rất nhanh trong quảng cáo hoặc viết, in ở những vị trí khó đọc, khó nhìn thấy trên bao bì sản phẩm. Điều này khiến không ít người hiểu lầm, sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm thực phẩm chức năng và sử dụng nó với tâm lý đây là một loại thuốc để chữa bệnh” – vị chuyên gia cho biết thêm.
Theo vị chuyên gia này: “Ngoài ra, nếu tinh ý, người mua nên nhận diện thông tin quảng cáo “láo” thường sẽ không đưa nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, chỉ chăm chăm viết về công dụng sản phẩm. Trên sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch, hoặc chỉ dẫn địa lý cho biết nơi sản xuất hoặc phân phối sản phẩm. Có trường hợp các số điện thoại liên lạc hotline trên sản phẩm không hoạt động”.
Khẳng định về việc không thể có thực phẩm chức năng chữa dứt bệnh hiểm nghèo như quảng cáo mà không có lộ trình đúng, tư vấn của bác sĩ và các điều kiện chăm sóc khác, bác sĩ Vũ Hồ Bắc (BV Đa khoa Hà Đông) bày tỏ quan điểm: “Tất cả các bệnh đều phải tuân thủ chỉ định, lộ trình điều trị, tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là trong việc dùng các loại thuốc, không thể có chuyện chỉ uống một loại thực phẩm chức năng mà trị dứt điểm (nhất là bệnh hiểm nghèo) mà không có bất kỳ tư vấn của bác sĩ. Vì thế, người mua phải cảnh giác trước những quảng cáo như thế này”.
Ông Hùng đề nghị: “Tôi đề nghị, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hàng và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Khi phát hiện sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, cần báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn”.
“Theo quy định của pháp luật hiện hành, quảng cáo gây nhầm lẫn là hành vi bị cấm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa của người tiêu dùng mà hậu quả của sự nhầm lẫn, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu", ông Hùng cho biết thêm.
Ngọc Linh