Cà phê Nestle Thụy Sĩ cũng trộn đậu nành ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) -  Ít ai nghĩ rằng Nescafé – một thương hiệu cà phê quốc tế uy tín trực thuộc công ty Nestle có trụ sở tại Thụy Sĩ – cũng sản xuất ra loại cà phê có có độn ngũ cốc ở thị trường Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm Cà phê bẩn - Thực trạng và Giải pháp do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ TP HCM tổ chức ngày 20/7, có khá nhiều doanh nghiệp cà phê lớn tham gia như: Nestle, Nescafé, Vinacafé, Lê Phan (Milano)... Thương hiệu cà phê Trung Nguyên không tham dự.
Đại diện của Nestle thừa nhận việc các sản phẩm cà phê của của mình “có lẫn đậu nành”. Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, Giám đốc nhà máy Nestle Vietnam xác nhận: Dòng cà phê Red Cup là được chế biến từ 100% hạt cà phê rang, xay, còn các dòng cà phê hòa tan còn lại đều phải trộn thêm các thành phần khác.
Ca phe Nestle Thuy Si cung tron dau nanh o Viet Nam
 
Trước câu hỏi của báo giới về việc tại sao Nescafe sản xuất ở Việt Nam lại trộn thêm các thành phần khác, mà trên thế giới thì không, bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị công ty Nestlé Việt Namcho biết: Ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng có rất nhiều khẩu vị cà phê khác nhau. Vấn đề đặt ra là chúng tôi phải đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó như thế nào. Nếu chỉ tập trung vào thực trạng vấn đề cà phê bẩn, thì có thể chúng ta sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu về khẩu vị của người tiêu dùng. Cho nên, nếu chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam (không ưa chuộng cà phê nguyên chất) thì liệu đây có phải là một định hướng mà chúng ta nên theo đuổi hay không?”
Ca phe Nestle Thuy Si cung tron dau nanh o Viet Nam-Hinh-2
 
Tương tự, nhiều đại diện của các hãng này đành thừa nhận việc trộn “các thành phần khác” là không thể thiếu đối với các dòng sản phẩm cà phê có giá thành thấp. Đại diện Công ty TNHH Cà phê Lê Phan thừa nhận: “Các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng phải trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch, công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn”.
Các doanh nghiệp cũng giải thích việc trộn đậu nành, bắp và hương liệu, phụ gia vào cà phê là để chiều theo gu thương thức cà phê sánh, đậm, đắng của người Việt lâu nay. Như khi được hỏi tại sao không công bố rõ ràng danh mục các thành phần, đặc biệt là tỉ lệ phần trăm cà phê và đậu nành trên bao bì của mình, doanh nghiệp này cho rằng đây là bí quyết riêng.
“Việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi luôn đảm bảo công bố cụ thể thông tin đó. Tuy nhiên khi đưa ra thông tin trên bao bì thì chúng tôi chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính còn những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì chúng tôi không ghi ra nhằm bảo vệ thông tin bảo mật về thành phần sản phẩm”, đại diện Nescafé cho biết.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế khẳng định: “Công khai thành phần phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự công bố theo luật an toàn thực phẩm. Trong đó nếu anh đã thông bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết. Tại sao vẫn là chất này nhưng không sản xuất ra sản phẩm như thế, đó mới là bí quyết. Chứ bí quyết không phải là 12% - 13% đậu nành, chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này”.
PV