Siêu rẻ, siêu ngon
Những ngày gần đây, trên đường phố Hà Nội xuất hiện những chàng trai đạp xe đạp đi rao bán cà phê. Điểm đặc biệt hấp dẫn và hút khách của những "cửa hàng" cà phê di động này chính là giá cả của chúng. Khách hàng chỉ phải trả 10.000 đồng là có thể thưởng thức một cốc cà phê đen hoặc nâu (cà phê pha sữa) thơm ngon, nóng hổi.
Huynh (sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân), một trong những chàng trai bán cà phê dạo Roam Cafe cho biết: Tranh thủ thời gian và để có thêm thu nhập trang trải đời sống sinh viên, Huynh đăng ký làm nhân viên bán
cà phê dạo từ hơn 1 tháng trước. Công việc cũng nhẹ nhàng, mỗi sáng Huynh đến cửa hàng ở Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) lấy một bình cà phê đã pha sẵn, một bình đá, đường và cốc tách rồi chở đi rao. Phương tiện "hành nghề" cũng khá giản dị gồm một chiếc xe đạp và một thùng hàng in địa chỉ Roam Cafe và số hotline rao hàng miễn phí.
|
Cà phê dạo Roam Cafe "hút" khách Hà Nội. |
Huynh cho biết, trung bình mỗi ngày Huynh bán được khoảng 30 cốc cà phê, có ngày cao nhất lên tới 60 cốc. Nhiều khách uống quen cũng thường gọi mang đến tận nơi, chủ yếu là nhân viên công sở, chủ cửa hàng và kể cả rao hàng tận nơi giá cũng không thay đổi, chỉ 10.000 đồng.
Với hơn 1 tháng kinh nghiệm, Huynh trở nên thành thạo trong các chiêu
bán hàng và giữ chân khách. Đối với Huynh kể cả khách uống hay không uống cà phê nhưng hình thức bán cà phê dạo với thùng hàng in bắt mắt cũng là một chiêu đánh vào tâm lý khách hàng. Nhiều khi mệt mỏi, Huynh dừng chân nghỉ ở một góc phố, trước cửa một văn phòng rồi vui vẻ tám chuyện với những người xung quanh. Đó cũng là một trong những cách mà Huynh có thêm những khách hàng mới, tăng thêm những khách hàng "ruột" cho mình.
|
Niềm vui của Huynh khi được khách hàng đón nhận Roam Cafe. |
Huynh kể, đạp xe trong tiết trời mùa đông lạnh buốt mà nhiều khi cũng toát mồ hôi, nhưng nghĩ thấy vui vì đã mang một cách thức mới, thay đổi thói quen uống cà phê của người Hà Nội. Khách hàng của Huynh ai cũng khen cà phê rẻ mà ngon, thậm chí đậm đà và thơm hơn cà phê mà họ thưởng thức trong những quán sang trọng. Chẳng thế mà, có người vì nghiện cà phê Huynh rao mà đặt lịch hàng ngày cứ 8 giờ sáng Huynh phải mang cà phê tới.
Huynh bật mí, cà phê tuy là pha sẵn nhưng là cà phê sạch, được nhập từ Sơn La và
Buôn Mê Thuột, lãnh địa cà phê ngon. Cứ bán hết một lít cà phê, Huynh lại đạp xe về cửa hàng lấy hàng vì cà phê để lâu sẽ nguội và có vị chua, không đảm bảo độ thơm ngon cho khách thưởng thức.
Bán 10.000 đồng vẫn có lãi
Người sáng lập Roam Cafe là anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1981, ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một kỹ sư cầu đường nhưng có niềm đam mê bất tận với cà phê và là "con nghiện" cà phê chính hiệu.
Đưa mô hình bán cà phê dạo vào thị trường Hà Nội từ cuối tháng 12/2013 đến nay anh Dũng đã có lượng khách hàng khá dồi dào. Nhận thấy phương thức bán cà phê dạo rất phát triển ở nhiều nước, anh Dũng mạnh dạn triển khai ở Thủ đô với mong muốn mọi người đều được thưởng thức cà phê ngon và rẻ. Anh bật mí, dù bán 10.000 đồng/cốc nhưng vẫn có lãi bởi giá cà phê ở Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ hơn 30.000 đồng/kg cà phê thô. Mỗi cân
cà phê thô sẽ cho 8 lạng cà phê xay, với việc thoải mái pha chế hàng chục cốc cà phê.
|
Anh Dũng đang chuẩn bị phương tiện "hành nghề" cho nhân viên. |
Trước khi quyết định kinh doanh Roam Cafe, anh Dũng đã có thời gian "thai nghén" 6 tháng vừa tìm hiểu nhu cầu uống cà phê của khách hàng vừa chuẩn bị nguồn vốn, tìm nguồn nguyên liệu, tuyển đội ngũ nhân viên, địa điểm mở cửa hàng cũng như chuẩn bị phương tiện "hành nghề" cho nhân viên. Đến nay, anh Dũng khoe đã chuẩn bị đủ nguồn vốn, đảm bảo nguồn nguyên liệu cà phê với 16 tấn dự kiến tiêu thụ trong năm 2014 và đang chế tạo xe đẩy hàng.
Tháng 6 năm nay, anh Dũng sẽ chính thức tung ra thị trường thương hiệu Roam Cafe. Cà phê dạo trong thời gian này chỉ là bước mở đầu để thăm dò thị hiếu khách hàng, hứa hẹn sự bùng nổ của thương hiệu Roam Cafe trong năm 2014. Dự kiến, hết năm 2014, anh Dũng sẽ có đội ngũ 100 xe đạp, 100 xe đẩy và 10 trạm cấp hàng chuyên cung cấp cà phê cho các xe đạp, xe đẩy. Ban đầu cà phê dạo là cà phê pha sẵn nhưng dần dần Roam Cafe sẽ pha trực tiếp tại chỗ khi khách hàng có nhu cầu uống.
Đúng như tên gọi của cà phê dạo, ý nghĩa của
Roam Cafe theo anh Dũng hay ở chỗ: "Roam" tức là "dạo", còn "roaming" tức là chuyển vùng quốc tế. Khi Roam Cafe phát triển lớn mạnh trong nước, anh Dũng sẽ mang thương hiệu cà phê này giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đây cũng là phương châm mà anh Dũng xác định khi kinh doanh loại hình cà phê này. Nếu thành công ở thị trường Hà Nội, Roam Cafe sẽ tiếp tục phát triển tại các thị trường Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong tương lai, Roam Cafe sẽ tấn công ở các thị trường nước ngoài mà mở đầu là Ấn Độ.
Là một người có nhiều đam mê và tham vọng nhưng đối với Roam Cafe, anh Dũng chỉ hy vọng bán được thật nhiều cà phê dù lợi nhuận không cao nhưng là việc làm chia sẻ với những hộ trồng cà phê, cũng là mang đến cơ hội cho những người thất nghiệp. Chẳng thế mà anh Dũng không ngần ngại chia sẻ, nhân viên của anh chủ yếu là những người thất nghiệp hoặc là sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Kinh doanh cà phê đối với anh Dũng như việc thỏa chí đam mê cũng là việc giúp anh đưa những giá trị thực của cà phê đến với mọi người.
Anh cũng có quan điểm rất tiến bộ về đội ngũ nhân viên ở Roam Cafe, mỗi người đều là chủ nên sẽ có phân chia thu nhập hợp lý, lương của nhân viên sẽ tăng lên theo hiệu quả công việc và luôn phải tạo ra động lực cho người lao động trong công việc.
Anh Dũng không bật mí về công thức pha cà phê nhưng anh nói rằng đó là một công thức có sẵn do anh nghiên cứu từ rất lâu với việc hòa trộn của cà phê Sơn La và Buôn Mê Thuột. Sở dĩ cà phê dạo Roam Cafe có giá rẻ như vậy là do anh Dũng nhập cà phê thô và tự rang, xay. Với việc hướng vào
thị trường bán lẻ anh Dũng hy vọng rằng, mỗi khách hàng sau khi thưởng thức cà phê Roam Cafe sẽ là một kênh truyền thông hiệu quả cho thương hiệu cà phê này.
Hải Sơn