Bí ẩn sau việc thương lái TQ ầm ầm mua lợn mỡ

Google News

Thương lái Trung Quốc đang lựa chọn mua lợn to, có tỷ lệ mỡ cao, cứ lợn khoảng 100 kg trở lên và nhiều mỡ là bán rất chạy

Hơn một tuần trở lại đây, người chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Nam đón nhận một thông tin vui, đó là giá thịt lợn hơi bỗng nhiên tăng lên. Không thể không vui khi mà lần đầu tiên sau hơn 2 năm, giá thịt lợn hơi mới lại có xu hướng tăng trong khi người chăn nuôi thường xuyên phải đối diện với cảnh thua lỗ triền miên do đầu vào cao, đầu ra thấp… Tuy nhiên, việc tăng giá có nguyên nhân từ thương lái Trung Quốc, mà điều đó cần phải cảnh giác vì đã có quá nhiều bài học.
Giá lợn hơi bỗng dưng… tăng
Nhiều ngày qua, nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước hồ hởi đón nhận sự tăng giá lợn hơi trên thị trường, với mức tăng từ 40.000 đồng/kg lên 41.000 đồng/kg. Đối với hầu hết nông dân, việc giá lợn hơi bỗng dưng có xu hướng tăng đã khiến người ta ngỡ ngàng, vì đã lâu lắm rồi, cái điệp khúc "được mùa mất giá” cứ ăn sâu vào tâm trí.
 
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:
Thị trường lợn mỡ chiếm rất nhỏ, giá lợn mỡ tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ từ 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg. Việc thương lái Trung Quốc thu mua mặt hàng này có tác động làm tăng giá lợn hơi ở Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi điều chỉ tốt khi việc thu mua dừng ở mức độ bình thường, không làm ảnh hưởng đến cơ cấu chăn nuôi của Việt Nam. Nếu đi quá sẽ lại phản tác dụng.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất thật chặt chẽ. Tức là không để người chăn nuôi chạy theo phong trào, ào ào nuôi lợn mỡ, đến khi Trung Quốc không thu mua, lợn mỡ dư thừa lại không biết tiêu thụ ở đâu.
Bà Trần Thị Mùi, chủ một trang trại nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) không giấu nổi niềm vui vì lứa lợn của bà vừa xuất chuồng đã thu được lãi. Trước đây, bỏ bao nhiêu tiền mua thức ăn gia súc, rồi thường xuyên lo lắng vì dịch tai xanh, lứa lợn nào của bà Mùi xuất ra cũng lỗ nặng nề, do giá thịt lợn rớt thảm hại. Vậy nhưng lần này thì ngược lại, giá lợn thay vì cứ giảm bỗng dưng tăng thêm, mức giá này đã giúp gia đình bà Mùi cũng như nhiều hộ nông dân khác ở huyện Thống Nhất có được chút lãi. Đây có lẽ cũng là niềm vui chung của nhiều nông hộ ở các tỉnh, thành phía Nam. Bởi thị trường thực phẩm (chủ yếu là thịt lợn, thịt gia cầm) đang tồn kho quá nhiều, cung vượt cầu nên giá bán sản phẩm luôn duy trì ở mức thấp hơn giá thành. Và đây cũng chính là lý do khiến cho người nông dân luôn ở tình thế thua lỗ, và với họ giá thịt lợn lên, dù bất kỳ là nguyên nhân gì, cũng sẽ giúp cho họ ít nhiều lấy lại niềm tin nơi thị trường này.
Nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, đây quả là tín hiệu vui cho người nông dân và có thể nói là của toàn ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại một khía cạnh ngược lại. Theo phản ánh của hầu hết người chăn nuôi, lợn hơi xuất sang Trung Quốc không cần loại chất lượng tốt, ngược lại, thương lái đang lựa chọn mua lợn to, có tỷ lệ mỡ cao, cứ lợn khoảng 100 kg trở lên và nhiều mỡ là bán rất chạy. Nhìn qua, những tưởng đây là dấu hiệu rất tốt cho ngành chăn nuôi, bởi ở hầu hết trang trại lợn đang tồn kho rất nhiều loại lợn thịt nhiều mỡ, do thị trường nội địa không chuộng loại này.
Thận trọng không thừa
Tuy nhiên, điều này lại đặt ra lo ngại, liệu đây có phải lại là một chiêu trò của các thương lái Trung Quốc? Liệu rằng, khi họ đặt ra mục đích thu mua lợn mỡ nhiều, nông dân Việt Nam lại đổ xô nuôi lợn mỡ, rồi đến khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, điều gì sẽ xảy ra? Khi đó tồn hàng trăm, hàng ngàn tấn thịt lợn mỡ, trong khi thị trường nội địa không tiêu thụ được, ai sẽ giải quyết hậu quả sau này?
Sở dĩ buộc phải đưa ra nghi vấn nói trên là bởi, quá nhiều lần thương lái Trung Quốc đã bày ra các chiêu trò để gây tổn hại cho kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Bài học về những lần thu mua các loại nông sản dồn dập để rồi sau đó ngừng thu mua của người Trung Quốc khiến nông dân lâm cảnh ế ẩm, "lỗ chỏng vó”… vẫn còn nguyên nghĩa giá trị thời sự và sự cảnh giác không bao giờ thừa. Bài học về việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây hồ tiêu để rồi người nông dân lại đi đào cây hồ tiêu lên lấy rễ… khiến hàng trăm ha hồ tiêu bị rỡ bỏ… vẫn còn đó. Và còn bao nhiêu sự vụ nữa mà người nông dân Việt Nam đã bị thương lái Trung Quốc dùng tiểu xảo để lừa gạt (!)
Vì thế, nay đến vụ lợn mỡ, cần thận trọng. Đồng ý rằng, nhiều DN, nông dân giống như "vớ được cọc” khi đang chới với giữa dòng sông. Với họ, chỉ cần giá lợn lên, giải quyết được hàng tồn kho, họ sẽ không bị rơi vào nguy cơ thua lỗ, phá sản. Song, không thể không đặt câu hỏi, tại sao thương lái Trung Quốc lại chỉ thu gom lợn hơi càng mỡ nhiều càng tốt - đối nghịch hẳn với nhu cầu thị trường hiện nay (?).
Khuyến cáo của Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, DN chăn nuôi và người nông dân cần phải cảnh giác, tìm hiểu tận cùng về đối tượng thu mua sản phẩm chăn nuôi để tránh những rủi ro đã từng gặp như những trường hợp đã từng xảy ra trước đó. Bên cạnh đó, không thể vì giá cả trên thị trường tăng mà đổ xô chạy theo mà không cần biết hệ lụy sau này thế nào, ngược lại người nông dân phải tìm hiểu kỹ, cần biết thị trường cần gì để hoạch định chiến lược sản xuất cho phù hợp, tránh việc chạy theo nhu cầu tức thời, bởi những bài học về việc thu mua nông sản của thương lái người Trung Quốc vẫn còn chưa hết nóng, và như vậy rủi ro là khó có thể lường trước được (!)
Ông Vũ Vinh Phú – nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội:
Cần phải nâng cao hiệu năng quản lý của Nhà nước. Chúng ta phải ngăn chặn từ biên giới, không để tình trạng chính sách thu mua từ bên kia biên giới ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa, ảnh hưởng đến khâu bán lẻ… rồi mới kiểm soát. Cơ quan quản lý phải nắm rõ lượng hàng hóa biến động trồi sụt bất thường hay không để kịp thời ngăn chặn. Và cuối cùng là phải giao trách nhiệm cho địa phương quản lý địa bàn chịu trách nhiệm.
Theo Đại Đoàn Kết