Trong nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu thưởng thức những loại hoa quả Nhật Bản, mặc cho giá của chúng gần bằng một chỉ vàng/kg.
Vào khoảng tháng 5/2018, tại Nhật Bản đã bán đấu giá thành công một cặp dưa lưới có giá trị bằng một chiếc ô tô tại Nhật. Cặp dưa này là hai trong số 507 quả dưa lưới đầu mùa được trồng ở TP Yabari, Hokkaido. Chúng được mang ra đấu giá tại chợ đầu mối hoa quả Sapporo.
Điều đáng nói là chỉ trong vòng 10 giây, giá của cặp dưa lưới đã tăng chóng mặt. Kết quả, người thắng đấu giá là ông Shinya Noda, chủ một công ty đóng gói rau quả tại Yubari. Ông đã mua cặp dưa với giá 3,2 triệu yen, tương đương 29.300 USD (tức hơn 665 triệu đồng). Sau đó, cặp dưa sẽ được cắt ra để mời khách đến chợ thưởng thức.
|
Cặp dưa lưới Nhật Bản có giá trị bằng một chiếc ô tô. Ảnh: AFP. |
Hay như chùm nho đắt nhất trong lịch sử nước này chính là chùm Ruby Roman được bán ra vào tháng 7/2017 với giá hơn 9.700 USD (khoảng 221 triệu đồng). Hay loại xoài đỏ, được mệnh danh là những "quả trứng mặt trời", được biết đến như là một loại trái cây xa xỉ nhất thế giới.
Theo một số trang bán hàng qua mạng, một quả xoài đỏ Nhật Bản nặng chỉ 350-400 g nhưng giá bán lên đến gần 1,7 triệu đồng. Nếu tính theo cân, xoài Nhật đắt gấp cả 100 lần giá xoài của Việt Nam.
Không chỉ có những sản phẩm cá biệt đắt không tưởng, trái cây cao cấp của Nhật Bản vốn cũng nổi tiếng đắt đỏ. Vậy tại sao trái cây Nhật Bản lại sở hữu mức giá cao đến vậy?
Yếu tố văn hóa biếu-tặng
Nếu như ở các nước phương Tây và Việt Nam, trái cây được coi là mặt hàng mang lại giá trị dinh dưỡng thì người Nhật từ xa xưa đã dùng trái cây để cúng thần linh. Vì lý do này, trái cây đã được xem như một biểu tượng quan trọng của sự tôn trọng. Thêm vào đó, tặng quà là văn hóa rất quan trọng tại đây và trái cây luôn là lựa chọn hàng đầu. Nó mang giá trị về tinh thần lẫn vật chất không nhỏ.
Trong một bài phát biểu trên CNN, ông Soyeon Shim (Hiệu trưởng Trường Sinh thái học con người tại ĐH Wisconsin-Madison, Mỹ) lý giải về sự đắt đỏ của trái cây Nhật rằng: "Trái cây được đối xử khác biệt trong văn hóa châu Á và đặc biệt là xã hội Nhật Bản”. Theo đó, ông cho hay việc mua và tiêu thụ trái cây ở đất nước này gắn liền với thực tiễn xã hội và văn hóa.
"Trái cây không chỉ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của họ, nhưng có lẽ quan trọng hơn, trái cây được coi là một mặt hàng cao cấp và là một phần nghi lễ quan trọng và phức tạp trong nghi thức tặng quà của Nhật Bản. Mọi người mua những loại trái cây đắt tiền này để chứng minh quà tặng đặc biệt của họ đối với người nhận như thế nào” - ông cho hay.
Ken Gehrt (Giáo sư tiếp thị tại ĐH bang San Jose, California, Mỹ) cũng cùng quan điểm khi nói rằng: “Trái cây ngon là một phần của quá trình đầy tỉ mỉ trong phát triển mối quan hệ ở Nhật Bản”. Do đó ngay tại Nhật Bản trái cây đã trở thành một mặt hàng cao cấp. Bởi vậy, khi qua Việt Nam, mặt hàng này cũng mang một giá trị khác so với các sản phẩm nội địa.
Yếu tố sản xuất, đóng gói
Trái cây Nhật Bản có giá cao và đạt được những mức không tưởng nhờ hội tụ các lý do hữu hình như giống, công trồng trọt và chăm sóc tỉ mỉ, đến các lý do vô hình, ảnh hưởng bởi văn hóa đấu giá, biếu tặng.
Trên tờ Reader’s Digest có một bài viết lý giải vì sao một trái dưa Nhật lại có giá hơn 2 triệu đồng. Theo đó, trước khi trồng một dây dưa, nông dân lựa chọn những hạt giống tốt nhất để trồng trong nhà kính. Sau khi cây nở hoa, nông dân sẽ cắt bỏ hết các chồi phụ, hoa không cần thiết và chỉ thụ phấn cho những bông hoa đẹp nhất bằng tay thông qua một cây cọ.
Khi cây kết quả, chỉ một quả duy nhất được chọn giữ lại để nó không phải cạnh tranh dinh dưỡng với quả khác trên cùng dây. Các quả dưa sẽ được đội một chiếc nón (tương tự như nón lá) giúp không bị cháy nắng.
Đặc biệt, các quả dưa còn phải được mát xa. Nông dân sẽ đeo găng tay trắng để mát xa nhẹ thường xuyên cho chúng, giúp quả đạt được hình cầu hoàn hảo và màu da đẹp hơn. Có thể thấy ở góc độ trồng trọt, sản xuất trái cây thượng hạng là cả một quá trình hết sức cầu kỳ.
Điều này một lần nữa được khẳng định tại buổi hội thảo “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Ông Hiroshi Matsuura ở Đại sứ quán Nhật Bản cũng lý giải vì sao đất nước này lại có thể làm ra một quả xoài có giá 800.000 đồng.
|
Trái cây của Nhật Bản được sơ chế và đóng gói kỹ lưỡng, đẹp mắt. Ảnh: Internet. |
Theo đó, ông cho hay chính phủ Nhật Bản quan tâm tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân, thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại. Họ khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, một quả xoài của Nhật Bản hiện nay có giá tương ứng với 800.000 đồng.
Không chỉ sản xuất thông thường mà quá trình gia công, chế biến cũng được đề cao. “Chỉ riêng việc cắt rau, củ, quả và đóng gói cũng đã là một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản” - ông Hiroshi Matsuura nói.
Theo Thu Hà/Pháp luật TPHCM