Những ngày vừa qua, nhiều người dân Hà Nội phát hiện nhân viên của EVN Hà Nội đi đọc và ghi chỉ số công tơ điện (đồng hồ ghi chỉ số tiêu thụ điện) của các hộ dân bằng một thiết bị khá... lạ mắt.
Phản ánh tới Infonet, các độc giả cho biết, những nhân viên này sử dụng một cây gậy, một đầu gắn thiết bị giống như một chiếc smartphone (hoặc camera) và đưa đến gần các hộp (tủ) đựng đồng hồ. Thiết bị lạ mắt này có hình dáng gần giống như một chiếc "gậy tự sướng" mà nhiều người vẫn hay sử dụng để tự chụp ảnh chính mình. Nó thay thế hoàn toàn cho những chiếc thang và việc trèo lên đọc bằng mắt thường như bấy lâu nay các nhân viên "nhà đèn" vẫn hay sử dụng.
Sau khi chụp ảnh chỉ số đồng hồ, số liệu từ màn hình chiếc camera này sẽ được nhập bằng tay vào một chiếc máy tính bảng kèm theo chứ không có sổ sách, giấy bút để ghi chép như trước.
|
Công nhân điện lực đang đi ghi chỉ số công điện. |
Mang những thắc mắc của độc giả về công năng của thiết bị này và tính chính xác của nó đến EVN, PV Infonet được biết: “Việc ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng đã giúp cải tiến, hiện đại hoá công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sử dụng điện ngày một tốt hơn”.
Khi được hỏi công năng ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng như thế nào? Đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) giải thích: “Khi sử dụng giải pháp này, thiết bị có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ và tính toán (ngay trên máy tính bảng) sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới. Chương trình sẽ cảnh báo các sản lượng bất thường...”.
|
Hình ảnh từ camera chụp lại chỉ số qua các công tơ điện. |
PV Infonet tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao
Tổng công ty điện lực Hà Nội không cho công nhân ghi số công điện như trước mà dùng camera kết hợp máy tính bảng? Đại diện EVN Hà Nội giải thích: “Dưới điều kiện trời mưa nhân viên cũng có thể tiến hành ghi chỉ số được khi sử dụng túi bọc bằng nilon bình thường bao kín bên ngoài thiết bị do có bộ cảm ứng siêu nhạy.
Ngoài ra, việc "ứng dụng IT" này còn cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. Trong quá trình ghi chỉ số khách hàng có thể xem hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng giúp củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành điện”.
Qua giải thích của đại diện EVN Hà Nội, thiết bị gồm 3 phần: phần sào có thể điều chỉnh độ dài, một camera và một máy tính bảng. Camera dùng để chụp lại hình ảnh chỉ số công tơ chính xác. Kích thước camera nhỏ nên có thể đưa lên gần hộp bao công tơ. Có thể lưu lại hình ảnh chỉ số để đối chiếu về sau với những trường hợp có lượng tiêu thụ điện tăng/giảm bất thường. EVN Hà Nội bắt đầu cho sử dụng thiết bị này từ cuối năm 2014.
Theo Infonet