Vinaphone bị đòi nợ 2,69 triệu sim

Google News

Một đại lý phân phối sim, thẻ vừa có đơn tố hãng di động Vinaphone nợ dây dưa 2,69 triệu sim di động

Một đại lý phân phối sim, thẻ vừa có đơn tố hãng di động Vinaphone nợ dây dưa 2,69 triệu sim di động, trong một thoả thuận hợp đồng trị giá trên 1.800 tỷ đồng với đại lý này.
Với việc quản lý thị trường sim, số chặt như hiện nay, Vinaphone khó có thể thực hiện được việc trả nợ 2,69 triệu sim cho đại lý.
Với việc quản lý thị trường sim, số chặt như hiện nay, Vinaphone khó có thể thực hiện được việc trả nợ 2,69 triệu sim cho đại lý.

Đến tòa soạn báo kêu cứu, chị Phan Thị Hồng, Giám đốc Cty TNHH Thương mại đầu tư Hồng Quang (Cty Hồng Quang), cho biết: Trên cơ sở Hợp đồng Tổng đại lý phân phối ký với Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực 1 (VNP1-Vinaphone), ngày 18/10/2010, Cty Hồng Quang ký thoả thuận bán hàng với Vinaphone, với cam kết doanh số bán hàng trong vòng ba tháng (từ ngày 18/10 đến ngày 31/12/2010), đạt 1.820 tỷ đồng. Đây là hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay của chị với nhà mạng này.

Theo thoả thuận trên, phía đại lý được chiết khấu với thẻ cào vật lý (thẻ bằng giấy) là 6,7%; mã thẻ và mệnh giá E-Load (bán qua mạng) là 7,5%.

Bên cạnh đó, phía đại lý còn được quyền mua kit (sim) với tỷ lệ, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá thẻ cào mà đại lý mua vào thì được quyền mua 2.000 kit.

Trong nghề đại lý bán thẻ, sim, thì lợi nhuận mang lại chủ yếu từ quyền mua kit, bởi vừa được chiết khấu hoa hồng cao (25%), vừa được phân phối để bán lại những dải số sim đẹp.

Để thực hiện thoả thuận bán hàng trên, phía Cty Hồng Quang phải làm thủ tục bảo lãnh hợp đồng tại Chi nhánh Agribank Hà Nội.

Theo đó, phía ngân hàng đóng vai trò trung gian, khi Cty Hồng Quang chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh ngân hàng, thì phía ngân hàng căn cứ vào đó giao hàng.

Theo bà Hồng, kết thúc 3 tháng bán hàng cuối năm 2010, phía Cty Hồng Quang đã bán được khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng khi đó, vẫn chưa nhận được số lượng kit kèm theo, như thoả thuận.

Chương trình bán hàng của Cty Hồng Quang tiếp tục được phía VNP1 cho kéo dài sang năm 2011. Cho đến 18/5/2011, phía Cty Hồng Quang mới được phía Vinaphone bán kit cho ba lần, với số lượng 3 vạn hộp kít, một tỷ lệ rất nhỏ so với thoả thuận của hai bên.

Vinaphone trốn trách nhiệm?

Do phía Vinaphone không cung cấp được lượng kit theo yêu cầu, từ đó tranh chấp nảy sinh.

Ngày 1/6/2011, VNP1 và Cty Hồng Quang, làm Biên bản thanh quyết toán công nợ, đôi bên thống nhất số liệu: Cty Hồng Quang còn nợ phía VNP1 là hơn 39,5 tỷ đồng. Còn phía VNP1 nợ Cty Hồng Quang trên 2,69 triệu bộ kit (làm tròn số).

Đôi bên thống nhất, việc thanh toán số nợ của Cty Hồng Quang được tiến hành đồng thời với việc Vinaphone phải trả dần sim cho Cty Hồng Quang và ra chương trình sim đồng bộ trên thị trường.

“Sau thoả thuận đó, chúng tôi đợi văn bản của Vinaphone về việc cung cấp dải số, loại sim, thời gian thực hiện... để chuyển tiền cho họ. Nhưng đợi hoài không thấy, chúng tôi gửi văn bản liên tục đòi nợ quyền mua trên 2,69 triệu bộ kit nhưng Vinaphone cũng không hồi âm, trốn luôn trách nhiệm”, bà Hồng cho biết.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Thanh Minh, Giám đốc VNP1, người trực tiếp ký văn bản thanh quyết toán công nợ trên, từ chối trả lời về lý do không thực hiện cam kết trả nợ 2,69 triệu kit cho Cty Hồng Quang. “Cái này cứ để cơ quan chức năng giải quyết”, ông Minh nói.

Trong khi đôi bên còn chưa thực hiện được thoả thuận trên, thì Cty mẹ của Vinaphone là VNPT đơn phương kiện Agribank chi nhánh Hà Nội ra toà, đòi thực hiện trách nhiệm bảo lãnh, trả nợ thay cho phía Cty Hồng Quang.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội, đây là bảo lãnh thanh toán có điều kiện.

Ngân hàng chỉ cam kết trả cho VNP1 số tiền trên (số tiền bảo lãnh 130,62 tỷ đồng) khi hết hạn thanh toán của hợp đồng, ngay sau khi nhận được văn bản của VNP1 nêu lên rằng Cty Hồng Quang chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nói trên.

Bởi thế, trong khi Vinaphone không thực hiện nghĩa vụ trả nợ 2,69 triệu bộ kit, thì cũng không thể buộc Cty Hồng Quang trả nợ, như đã thoả thuận.

Tuy nhiên, tại phiên toà ngày 24/4/2012, TAND TP Hà Nội lại bỏ qua chứng cứ là Biên bản thanh quyết toán công nợ trên, đã tuyên phía VNPT thắng kiện!?.

(Theo Tiền Phong)
[links()]