Vì sao Bình Dương “xén” công văn vụ ông Dũng gửi Thủ tướng?

Google News

Báo cáo trình Thủ tướng của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã bỏ sót nhiều nội dung quan trọng của vụ việc.

 
Khi dư luận lên tiếng sau lá đơn ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam, tố cáo chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung lên Thủ tướng Chính phủ, phía UBND tỉnh cũng đã gửi Thủ tướng một báo cáo xung quanh vụ khu công nghệp Sóng Thần 3. Tuy nhiên, báo cáo đã bỏ sót nhiều nội dung quan trọng của vụ việc.
"Sư nói sư phải…"
Trong báo cáo của UBND tỉnh dài 5 trang (do ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch ký vào cuối tháng 10.2013) đã tường trình một cách có hệ thống những sai phạm liên quan đến khu đất 61 hecta của chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 3 từ năm 2008 đến nay.
Cụ thể là chủ đầu tư, tức Công ty cổ phần Đại Nam, đã lợi dụng và chuyển diện tích khu ở sang làm khu dân cư tự phát trong khu công nghiệp. Cuối năm 2008, chủ đầu tư đã phân lô với diện tích từ 100 – 120 m²/lô, giá bán từ 1,8 – 3 triệu đồng/m². Ngay lập tức, tỉnh yêu cầu Công ty Đại Nam phải sử dụng đất khu ở (61 hecta) đúng mục đích, đúng quy hoạch chi tiết được duyệt năm 2006: chỉ được phục vụ cho các đối tượng là chuyên gia, nhân viên, công nhân làm trong khu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo báo cáo, Công ty Đại Nam đã không chấp hành yêu cầu của tỉnh, tiếp tục huy động vốn theo hình thức phân lô, bán nền. Việc mua bán ngày càng công khai, sôi động. Chính vì lẽ đó tỉnh đã ra quyết định lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3. Đoàn kiểm tra phát hiện chủ đầu tư đã phân 32,3 hecta được 2.630 lô đất, thu tiền bán đất nền được hơn 414 tỉ đồng.
Báo cáo gửi Thủ tướng kết luận việc Công ty Đại Nam tự ý phân lô, bán nền là trái quy định của pháp luật về việc sử dụng đất trong khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết được duyệt.
Từ nguyên nhân trên, cuối năm 2009, UBND tỉnh đã có văn bản cấm Công ty Đại Nam chuyển nhượng khu đất ở trong khu công nghệp (61 hecta) dưới bất kỳ hình thức nào đồng thời buộc chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu ở trình UBND tỉnh.
Thay vì chấp hành chỉ đạo từ UBND tỉnh, Công ty Đại Nam lại ba lần làm công văn kiến nghị và nộp hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã được duyệt trước đó. Công ty Đại Nam xin tách dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3 (533 hecta) thành hai dự án khu dân cư (trong đó có khu ở 61 hecta) và khu công nghiệp. Việc kiến nghị này, theo tỉnh Bình Dương, nhằm hợp thức hóa diện tích khu ở đã phân lô bán nền và để Công ty Đại Nam tiếp tục kinh doanh bất động sản trái phép.
"Đẹp khoe, xấu che"
Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh Bình Dương giống như một tuyên bố mang đậm tính chất trả lời trước dư luận của UBND tỉnh Bình Dương hơn là một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi báo chí lên tiếng với nhiều chiều trái ngược nhau. Thực tế báo cáo này đã “lược giản” bằng cách loại bỏ nhiều văn bản hành chính quan trọng mà UBND tỉnh và một số sở ngành đã ban hành liên quan đến việc “phân lô, bán nền” tại khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Không loại trừ chính các văn bản bị "lược giản" này đã cho phép hoặc ủng hộ Công ty Đại Nam phân lô, bán nền dưới hình thức góp vốn đầu tư.
Đầu tiên, phải nhắc đến Quyết định số 2089 ngày 7.7.2008 (do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Văn Lợi ký) cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất đối với Công ty Đại Nam. Trong quyết định này, UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty Đại Nam chuyển đất “khu ở” trong khu công nghiệp thành “đất ở”, thời hạn lâu dài thay vì 50 năm.
Tiếp đến, vào tháng 9.2009, sau khi phát hiện Công ty Đại Nam tổ chức “phân lô, bán nền” đợt thứ hai, UBND tỉnh đã ban hành công văn lập đoàn kiểm tra dự án khu công nghệp Sóng Thần 3 (theo báo cáo gửi Thủ tướng).
Đoàn kiểm tra hùng hậu (gồm ba sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Cục Thuế; Ban quản lý các khu công nghệp và huyện Tân Uyên) đã có buổi làm việc với Công ty Đại Nam. Trong cáo cáo kết quả kiểm tra gửi UBND tỉnh, đoàn kiểm tra đã kết luận Công ty Đại Nam thực hiện dự án đúng tiến độ, kêu gọi góp vốn khu ở 61 hecta là đúng luật, phù hợp quy hoạch chi tiết được duyệt.
Một điểm nữa, việc Công ty Đại Nam xin tách dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3 làm đôi cũng có phần từ sự tham mưu của Sở Xây dựng. Nắm được chủ trương giảm đất công nghiệp, tăng đất dịch vụ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh (Thông báo số 11 năm 2007), Sở Xây dựng đã đề xuất theo đúng những gì Công ty Đại Nam đề xuất.
Cụ thể, trong một báo cáo năm 2010 gửi UBND tỉnh (trước đó là một buổi họp với các sở ngành khác), Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 (đã được duyệt) tại khu công nghiệp Sóng Thần 3, theo hướng tách làm hai dự án (khu dân cư – khu công ngiệp).
Nếu một báo cáo gửi cấp trên (Thủ tướng Chính phủ) mà cấp dưới (UBND tỉnh Bình Dương) đã “cắt xén” nhiều đoạn để vụ việc có thể được hiểu sai với bản chất, người ta dễ nghĩ là chưa trung thực. Phải chăng sự chưa trung thực này nhằm mục đích che đậy những sai phạm đã diễn ra hoặc những hậu quả khó có thể khắc phục từ hai phía?
Theo Một Thế Giới