Chiều 22/7, Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, trong phiên giao dịch buổi sáng tại cửa hàng chính đặt tại trụ sở Công ty SJC, công ty đã mua vào một miếng vàng SJC loại 1 lượng bị làm nhái.
|
Ảnh: VTV |
Theo SJC, miếng vàng này được dập rất tinh vi, rất khó phân biệt với vàng SJC thật, đặc biệt được đóng gói trong bao bì thật. Theo đại diện SJC, người làm giả đã rạch phần sau bao bì của miếng vàng SJC rồi bỏ miếng vàng nhái vào, sau đó dán thêm một lớp keo và dập lại. Do vậy, khi nhìn kỹ thì phần sau của miếng vàng làm nhái này dày hơn một chút so với miếng vàng thật. Trọng lượng của miếng vàng nhái tương đương vàng thật nhưng về chất lượng thì hơi non một chút so với vàng 99,99 của SJC.
Cuối năm 2012, Công ty SJC liên tục phát hiện lượng lớn vàng giả, vàng nhái SJC trên thị trường. Tổng giám đốc SJC cho biết, từ tháng 9/2012 đến hết tháng 10/2012, công ty đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, giả vàng miếng SJC. Trong số 463 lượng vàng giả và vàng nhái này, có 377 lượng được phát hiện ở Hà Nội và 86 lượng tại TP.HCM. Sau khi phát hiện số vàng giả và vàng nhái này, trên cơ sở thỏa thuận, công ty thực hiện đánh dấu, cắt miếng vàng. Trong trường hợp người dân không chấp nhận việc hủy miếng vàng này, công ty sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật là lập biên bản giữ lại và báo cho cơ quan công an.
Đứng trước thực trạng báo động về việc làm giả vàng miếng SJC ngày càng nhiều, ngày 25/10/2012, Công ty SJC công bố thay đổi bao bì mới hologram chống giả cho vàng miếng SJC loại 5 chỉ, 2 chỉ, 1 chỉ và 5 phân. Được biết, trước đây Công ty SJC cũng thay đổi bao bì cho vàng miếng loại 1 lượng khi phát hiện vàng loại này bị làm giả.
Hồi tháng 8/2010, Công ty SJC cũng phát hiện gần 60 lượng vàng miếng SJC loại 1 lượng bị làm nhái. Vàng nhái được phát hiện đầu tiên tại quận Tân Bình, TP.HCM ngày 25/8/2010, sau đó được phát hiện tại quận 5, huyện Hóc Môn...
Vàng làm nhái dưới 2 hình thức gồm: miếng vàng SJC thật bị bào ở 2 bên và 4 cạnh, nên nhỏ hơn miếng vàng thật. Vì vậy, mỗi lượng bị mất từ 2-5 phân vàng tương ứng với 2-5% giá trị. Vàng nhái được bọc lại bằng bao bì giống y hệt bao bì của vàng thật SJC nên rất khó phân biệt. Loại nhái thứ 2 là vàng miếng SJC được làm nhái hoàn toàn từ kích cỡ, trọng lượng, dấu hiệu nhận diện trên miếng vàng. Loại này thay vì làm bằng vàng 4 số 9999 thì vàng nhái chỉ đạt mức 95-96% (ăn gian tuổi vàng). Các miếng vàng giả đã được phát hiện có mã số seri FH, FF, FA. Trong đó, một mã seri chưa được SJC sản xuất. Các cửa hàng phát hiện ra vàng giả thì không nằm trong hệ thống đại lý do SJC mở.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay toàn bộ khuôn dập đúc vàng miếng của các thương hiệu khách đã được niêm phong và lưu giữ tại kho của nhà quản lý. Duy nhất SJC được gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Quy trình gia công cũng rất nghiêm ngặt từ lúc niêm phong đến khi mở máy đều có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên rất khó có thể tạo ra vàng nhái. Tuy nhiên nhiều kẻ gian đã làm giả làm nhái để trục lợi. Nhưng rất khó khẳng định, vàng giả vàng nhái đó có xuất xứ từ trong nước hay được đưa từ nước ngoài về. Cũng theo ông Minh, loạt vàng miếng nhái thương hiệu SJC xuất hiện trên thị trường trước đây đã được cơ quan công an niêm phong để điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả về nguồn gốc xuất xứ của nó.
Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng, việc làm giả vàng miếng SJC không khó bởi máy dập vàng miếng của nhiều doanh nghiệp trong nước đều có thể dập được. Việc mua khuôn vàng từ Hồng Kông không khó. Tại biên giới Lào, Campuchia, một số đối tượng đã nhập vàng theo con đường chính thống để bán cho người Việt Nam sang mua vàng.
Theo lãnh đạo của SJC, kẻ gian lợi dụng tình hình giá vàng trong nước tung vàng nhái, vàng giả ra thị trường để hợp thức hóa vàng lậu nhằm thu lợi nhuận hoặc trục lợi. Vàng SJC bị nhái không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu vàng mà Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn làm thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, đại diện Công ty SJC đã chính thức có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và cơ quan công an.
Các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng mua bán vàng miếng tại các điểm được cấp phép, khi mua yêu cầu đơn vị giao dịch phải xuất hóa đơn, chứng từ mua bán, trong đó ghi rõ số sêri của miếng vàng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Khi mua, người tiêu dùng cần quan sát kỹ sản phẩm, không nên dựa vào bao bì vì bao bì hiện cũng bị làm giả, khó phân biệt.
Cách nhận biết vàng giả, vàng nhái
Bằng mắt thường, người tiêu dùng có thể phân biệt một số điểm gồm: Nét chữ và nét vẽ rồng của vàng nhái lớn hơn vàng thật; Hình vẽ rồng vàng không sắc nét, chữ số không rõ ràng, méo mó, số và chữ chạm vào nhau. Bao bì nhựa của vàng nhái mềm hơn bao bì cũ.
Nếu kiểm tra bằng máy đo tuổi vàng bằng tia X được hoạt động dựa trên phương pháp quang phổ thì sẽ có kết quả rất nhanh, chỉ trong vòng 1 - 3 phút là có ngay kết quả. Máy sẽ đưa ra được kết quả chính xác thông số về chất rắn, độ dày lớp xi, hàm lượng kim loại trong lớp xi, phân tích tính chất và số lượng tuổi vàng có trùng khớp với thông số ghi trên bao bì hay không. Từ đó sẽ phân biệt được thật hay nhái, giả.
Hải Sơn (Tổng hợp)