Brazil - quốc gia chủ nhà của World Cup 2014 - đã mạnh tay chi khoảng 11 tỷ USD cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn hoang phí, khi mà quốc gia này cũng "kiếm chác" không nhỏ nhờ "công nghệ" ăn theo World Cup. Dưới đây là những lĩnh vực kinh tế đang hốt bạc từ World Cup 2014.
Phòng nghỉ:
Bloomberg dự đoán, giá phòng khách sạn có thể cao gấp 6 lần bình thường trong các sự kiện lớn, đặc biệt là World Cup 2014. Một người quản lý nhà trọ ở Brazil cho biết, phòng trọ giá bèo cũng đã được thuê từ 105 USD đến 620 USD mỗi đêm, gấp đôi giá ngày thường. Ông cũng hy vọng lợi nhuận từ khách du lịch nước ngoài sẽ giúp thu nhập của nhà trọ tăng 20%.
|
Từ nhà trọ giá bèo đến khách sạn hạng sang tại Brazil đều hốt bạc trong mùa World Cup. |
Công nghiệp tình dục:
Mại dâm là nghề hợp pháp ở Brazil. Nhiều người trong số một triệu gái mại dâm của Brazil đã được học tiếng Anh trước các giải đấu quốc tế. Tại Belo Horizonte, một thành phố của nước chủ nhà World Cup, gái mại dâm có thể đi học miễn phí. Giám đốc một văn phòng tiếp nhận gái mại dâm mong đợi, sẽ có một sự bùng nổ ở kỳ World Cup năm nay: "Trong câu lạc bộ đêm, họ sẽ kiếm được rất nhiều. Họ luôn luôn tìm kiếm các chàng trai nước ngoài và thời điểm này là một cơ hội tốt". Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng tình dục trẻ em (bất hợp pháp) sẽ xảy ra nhiều hơn.
|
Mại dâm được hợp pháp hóa tại Brazil và dự kiến sẽ có 1 triệu gái mại dâm hoạt động trong mùa World Cup này. |
Truyền hình
Nhà bán lẻ Anh John Lewis trả lời phỏng vấn tờ Guardian rằng đã có một sự đột biến khi tăng 47% trong doanh số bán hàng truyền hình tháng 5 (so với doanh thu cùng kỳ năm ngoái). Và thậm chí, tốc độ tăng trưởng này được dự đoán tiếp tục tăng hơn nữa. Những lĩnh vực kinh tế liên quan đến truyền hình ở Anh cũng rất kỳ vọng vào sự tăng trưởng doanh số bán hàng nhờ sự kiện này. Các cửa hàng ở đây Anh đã bán thêm 170.000 ti vi vào tháng 4 và đầu tháng 5, trị giá khoảng 70 triệu bảng. Trong khi đó, các thiết bị khác như loa công suất lớn, đầu thu phát tín hiệu... cũng bán rất chạy.
Tại Nhật Bản, điều này cũng đang diễn ra tương tự.
Thực phẩm và rượu
Theo FoodManufacture.co.uk, người hâm mộ World Cup ở Anh sẽ giúp tăng doanh số bán thực phẩm và rượu. Trên các trang web mua bán, người hâm mộ dành khoảng 50 triệu USD vào đồ ăn nhẹ và khoảng 129 triệu USD vào rượu. Nhìn chung, theo dự kiến, ngành công nghiệp thực phẩm và thức uống ở Anh đã kiếm được khoảng 367 triệu USD nhờ World Cup 2014.
May mặc
Bangladesh đã thu lãi chừng 500 triệu USD, nhờ 14% tăng đột ngột trong xuất khẩu áo. Ông Mohammad Hatem, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh, trả lời tờ Agence France-Presse rằng: "Hầu hết các nhà máy của chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng làm áo cho người hâm mộ World Cup. Chúng tôi vẫn chưa thống kê được con số cụ thể về tổng giá trị lợi nhuận trong kỳ World Cup liên quan đến xuất khẩu hàng hóa nhưng sẽ dao động từ 500 triệu đến 1 tỉ USD". Tuy nhiên, điều kiện làm việc tồi tệ của người lao động trong ngành công nghiệp may mặc của nước này có thể gây ra những vấn đề lớn về xã hội.
Sản xuất bóng Brazuca
Việc hãng Adidas Trung Quốc không kịp sản xuất số lượng bóng Brazuca khổng lồ phục vụ cho World Cup đã giúp một nhà sản xuất đồ thể thao tại Pakistan có cơ hội phát triển. Với hợp đồng béo bở mới, nhà sản xuất này đã tăng từ 5.000 - 1.400 nhân viên, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ tại nơi đây, nâng cao mức thu nhập cho người dân trong vùng.
|
Phụ nữ Pakistan có cơ hội nâng cao thu nhập nhờ sản xuất trái bóng Brazuca. |
Hải Đăng (tổng hợp)