Tăng gần 3 triệu đồng/lượng trong 1 tuần
Hàng loạt các cửa hàng mở cửa sáng 8/8 tăng giá vàng trong nước lên thêm 500 ngàn đồng/lượng sau khi đón nhận thông tin vàng thế giới vượt qua ngưỡng cản quan trọng: 1.500 USD/ounce.
Như vậy, liên tục trong những phiên gần đây, giá vàng SJC đều tăng thêm vài trăm ngàn đồng cho tới 1 triệu đồng/phiên. Tính trong 1 tuần qua, giá vàng đã tăng tổng cộng gần 3 triệu đồng/lượng và hiện đang ở mức 42,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Đây là mức giá cao nhất trong khoảng 6 năm qua.
Giá vàng trang sức thậm chí còn lên sát ngưỡng 42,5 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ vàng trong nước tăng giá là bởi giá vàng thế giới đầu giờ sáng 8/8 tăng vọt lên trên ngưỡng 1.500 USD/ounce, phá vỡ mức đỉnh của 6 năm vừa ghi nhận trước đó. Giá vàng hiện tăng 16,7% (214 USD) so với đầu năm.
|
Biến động giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua. |
Giá vàng tăng mạnh và vọt lên đỉnh cao mới trong bối cảnh thế giới rơi vào một nguy cơ bất ổn chưa từng có, một cuộc đối đầu leo thang không có điểm dừng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên mờ mịt, không lối thoát khi mà tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục ra đòn thuế cũng như cảnh báo Trung Quốc, trong khi đó Bắc Kinh cũng có những tuyên bố cứng rắn, dường như không cố ý định lùi bước.
Các thị trường tài chính tiếp tục chao đảo và nhu cầu tìm chỗ trú ẩn ở các loại tài sản an toàn không ngừng tăng vọt. Không chỉ vàng, các loại tài sản an toàn như đồng yen Nhật, trái phiếu… tăng rất mạnh.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng 8/8 lần đầu tiên trong vòng 1 hơn thập kỷ qua đặt tỷ giá trung tâm - tham chiếu (midpoint) dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD (cụ thể là 7,0039 NDT đổi 1 USD). Giá NDT được mua bán +/-2% xung quanh tỷ giá trung tâm.
Đây là động thái tiếp theo sau khi hôm 5/8 PBOC thả để đồng NDT giao dịch trên thị trường trong nước và quốc tế tụt xuống dưới ngưỡng này. Đầu giờ sáng, đồng NDT trên thị trường quốc tế đứng ở mức 7,068 NDT đổi 1 USD, giảm khoảng 6% so với mức cao nhất 1 năm qua (6,6546 NDT).
Thế giới vào cuộc đua, vàng đe dọa mốc 50 triệu đồng/lượng
Vàng bắt đầu tăng giá mạnh trong tuần sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Sự tụt giảm các thị trường chứng khoán (TCK), sự lao dốc của đồng tiền nhiều nước trên thế giới cùng với căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu… đang góp phần đầy giá vàng đi lên.
Ở một số diễn biến mới nhất, ngân hàng trung ương (NHTW) một loạt nước đang đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó hôm 7/8 NHTW 3 nước New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đã đồng loạt giảm lãi suất mạnh hơn dự báo.
Những diễn biến này củng cố thêm xu hướng thế giới đang chuyển mạnh sang chính sách nới lỏng và một cuộc chiến tiền tệ đã thực sự hình thành.
Gần đây, trên chương trình “Futures Now” trên CNBC, các chuyên gia cho biết, các quỹ phòng hộ đẩy mạnh mua vàng. Chỉ trong 5 tuần kết thúc vào cuối tháng 7, các quỹ này đã mua vào 60 ngàn hợp đồng vàng. Đây là một tốc độ mua vàng rất nhanh. Trong phiên 5/8, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng tăng lượng vàng dự trữ thêm 0,53% lên mức 835,16 tấn. NHTW các nước, trong đó có Nga và Trung Quốc trong nhiều tháng gần đây đã mua vàng với khối lượng lớn.
Nhà đầu tư nổi tiếng Mark Mobius cũng đã có dự báo đúng về xu hướng tăng của vàng trong bối cảnh NHTW các nước tăng cường chương trình mua tài sản, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chính sách tiền tệ được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu, cuộc chiến thương mại và cả những bất ổn địa chính trị.
Theo nhiều chuyên gia, xu hướng vàng là còn tăng hoặc ít nhất là treo cao như hiện nay, trong bối cảnh lãi suất thậm chí còn ở mức âm ở châu Âu và Nhật Bản.
Rất khó khiến NHTW các nước đảo chiều chính sách bởi nguy cơ xấu từ một cuộc chiến Mỹ-Trung là rõ ràng. Với những diễn biến mới nhất, nhiều dự báo cho thấy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh gần như đã không còn đường lùi. Ông Trump đã quyết định chơi đến cùng, trong khi Bắc Kinh cũng đã xác định vào thời kỳ “trường kỳ thương chiến”.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại và có thể còn chậm hơn nữa khi ngấm các đòn thuế của ông Trump. Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ 2 thế giới còn đối phó với những bất ổn kinh tế trong nước, cũng như những diễn biến đáng lo ngại tại Hong Kong.
Nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá khỏe mạnh nhưng TTCK đang giảm nhanh, đánh mất sạch những thành quả ấn tượng trong 12 tháng qua và là chỉ báo cho một tương lai kinh tế không còn hồng hào nữa.
Theo một dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giảm lãi suất 2 lần trong năm nay để hạn chế các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.
Thế giới còn bất ổn hơn sau khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận Hiệp định Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga. Ngay sau động thái này, chính quyền Bắc Kinh đã cảnh cáo sẵn sàng đáp trả mọi động thái triển khai tên lửa tầm trung đến các căn cứ Mỹ tại châu Á.
Đây là hàng loạt những yếu tố thuận lợi cho vàng. Và nó là cơ sở để không ít dự báo cho rằng, giá vàng thế giới còn treo ở mức cao hoặc tăng tiếp trong ít nhất từ 6-12 tháng tới.
Theo V. Minh/Vietnamnet