Trần Phương Bình: Từ thầy giáo đến CEO DongA Bank

Google News

Bước chân vào ngành ngân hàng với vị thế tay ngang, nhưng tên tuổi Trần Phương Bình sớm được khẳng định

Bước chân vào ngành ngân hàng với vị thế tay ngang, nhưng tên tuổi Trần Phương Bình sớm được khẳng định bằng những nỗ lực tự thân và thành công của “con thuyền” DongA Bank.

Được đào tạo về kinh tế thương mại và từng có 8 năm liền sau khi tốt nghiệp đứng trên bục giảng, ngỡ rằng “nghiệp làm thầy” sẽ gắn bó với Trần Phương Bình. Nhưng đến năm 1990, ông lại quyết định “bẻ lái”: trở thành lãnh đạo một ngân hàng.

Nhớ lại những ngày đầu rời bục giảng sang ngồi ghế doanh nhân, vị CEO này cho biết, thử thách lớn nhất khi chuyển nghề là ông không có chuyên môn sâu về ngân hàng. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ điều hành DongA Bank, ông phải vừa làm vừa học, tự mày mò với những ma trận của kinh doanh tài chính.

CEO DongA Bank và vợ - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ
CEO DongA Bank và vợ - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ
20 năm trước đây, khi DongA Bank vừa mới thành lập, làm thế nào để có thể tập hợp được một đội ngũ nhân sự, làm thế nào để những nhân sự ấy tôn trọng và làm theo một người đứng đầu chưa hiểu rõ lắm về ngành ngân hàng? Đó là những bài toán không hề dễ tìm ra lời giải với Trần Phương Bình.

Ông tâm sự, làm nghề giáo, với tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, mặc nhiên người giáo viên khi bước lên bục giảng đã được nể trọng. Nhưng bước chân vào kinh doanh thì khác, người ta sẽ nhìn vào hành động và trên hết là kết quả của hành động đó để đánh giá mình, tôn trọng hay coi thường mình…

Thế nhưng, bài toán dẫu phức tạp thì vẫn có lời giải. Đi chậm mà chắc bằng những lối đi riêng, dần dần Trần Phương Bình và các đồng sự đã định vị được thương hiệu DongA Bank. Câu chuyện phát triển sản phẩm Thẻ đa năng của DongA Bank là một trong những điển hình thành công khi lựa chọn lối đi riêng. Ông Bình bảo, mơ ước cạnh tranh với các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank… luôn là đích đến của các chủ nhà băng cổ phần Việt Nam. Nhưng nếu cứ rải đều “trên mọi mặt trận” thì sẽ không thể cạnh tranh với các ngân hàng đã có tiềm lực lâu năm. Vì vậy, vị CEO này đã chọn cho DongA Bank một hướng đi khác, đó là lựa chọn phân khúc khách hàng thấp hơn.

Còn nhớ những ngày đầu DongA Bank thành lập Trung tâm thẻ và phát hành chiếc thẻ ATM mang thương hiệu DongA đầu tiên (giai đoạn 1999 - 2002), không ít người cho rằng, làm sao DongA Bank có thể cạnh tranh được với Vietcombank. Trong khi đó, ông Bình lại cho rằng, về dịch vụ khách hàng cá nhân thì tất cả đều mới mẻ như nhau. Do đó, ông mạnh dạn lựa chọn chiến lược tập trung đầu tư vào sản phẩm Thẻ đa năng DongA. “Mục tiêu lớn nhất khi phát triển dịch vụ thẻ cho khách hàng cá nhân là DongA Bank có được một lực lượng khách hàng tiềm năng để có thể phát triển thêm nhiều dịch vụ khác”, ông Bình nói.

Nhưng chiến lược này không phải không có những lời ra tiếng vào. Có ý kiến cho rằng, DongA Bank đã tăng trưởng chậm lại những năm qua do đã quá dồn sức cho dịch vụ thẻ mà “quên đi” các mảng kinh doanh khác. Ông Bình giải thích: “Nếu không có sự đầu tư vào hệ thống ATM trong thời gian qua thì làm sao DongA Bank có được số lượng 6 triệu khách hàng như hiện nay”. Theo ông, mỗi ngân hàng có chiến lược kinh doanh khác nhau. Đối với DongA Bank, con số 6 triệu khách hàng có được phần lớn từ dịch vụ ATM chính là tiền đề để Ngân hàng triển khai các dịch vụ tiếp theo. Chiến lược phát triển của DongA Bank trong thời gian tới vẫn là “chậm mà chắc”, quản trị rủi ro phải đặt lên hàng đầu rồi mới tính đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Người đứng đầu nhà băng này chia sẻ thêm, nếu tính chi li thì đầu tư vào ATM không có lợi nhuận, nhưng khi đã có một số lượng khách hàng ổn định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, nhất là trong huy động vốn. Vì thế, để gia tăng số lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM, DongA Bank từng bước quy hoạch, đầu tư thêm số lượng máy ATM cũng như đa dạng dịch vụ cho chủ thẻ.

“Ghế CEO” đang chờ người kế nhiệm

Gắn bó với DongA Bank từ ngày mới thành lập, Trần Phương Bình thấu hiểu rằng, để có thể đưa DongA Bank trở thành NHTM bán lẻ hàng đầu như hiện nay, con người là nhân tố quyết định. Chính vì thế, trên bước đường phát triển hiện tại và tương lai của Ngân hàng, điều khiến vị CEO này lo lắng nhất không phải là tiềm lực tài chính mà chính là làm sao nhìn thấy được sự tích cực, tiến bộ trong mỗi hoạt động của DongA Bank dựa trên những hành động cụ thể của những con người cụ thể.
2 năm nữa, DongA Bank sẽ có CEO mới
2 năm nữa, DongA Bank sẽ có CEO mới

Với Trần Phương Bình, DongA Bank có thể coi là một ngôi nhà thứ hai. Phòng làm việc của ông luôn mở cửa từ sớm và rất nhiều lần sáng đèn trong đêm, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần. Khi thị trường càng nhiều sóng gió, vị thuyền trưởng càng phải sát sao hơn.

Ông Bình bảo, nghiệp kinh doanh tài chính vốn gắn với đồng tiền của thiên hạ, nên dẫu thị trường thuận lợi hay khó khăn thì cũng đều phải lao tâm khổ tứ. Ngân hàng là cái túi giữ tiền cho thiên hạ, nhưng vừa giữ chặt đồng vốn vừa phải kinh doanh đồng vốn sao cho có lãi. Thời thuận lợi đã khó, gặp lúc kinh tế khó khăn, nhiều lúc cho vay cũng như “thả gà ra đuổi”, dễ mất vốn, dễ nợ xấu như chơi.

Cái nghiệp “buôn tiền” vốn dĩ đau đầu, vì vậy theo ông Bình, để kiếm ra một tổng giám đốc ngân hàng đủ năng lực, đủ bản lĩnh là không hề dễ dàng. Chính vì thế, dàn khung lãnh đạo DongA Bank trong tương lai bắt buộc phải được trui rèn, được thử thách. Bởi ông cho rằng, cạnh tranh lớn nhất trong ngành ngân hàng vẫn là cạnh tranh nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, rủi ro đạo đức cũng là một trong những rủi ro lớn.

Quan điểm của ông trong điều hành là không chạy đua theo chỉ tiêu, mà quên đi quản trị rủi ro. Đó cũng chính là quan điểm trong xây dựng chiến lược phát triển của DongA Bank. Bảy tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, nhưng theo ông Bình, Ngân hàng sẵn sàng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận nếu diễn biến thị trường không thuận lợi. Bởi hiện nay, sự ổn định và bảo toàn vốn cần được coi là mục tiêu số một.

Vậy CEO DongA Bank đã tính đến chuyện rút vào “hậu trường” để nhường sân cho lớp trẻ? Khi được hỏi câu này, ông Bình cho biết, 2 năm nữa sau khi hoàn thành nốt những kế hoạch đã đặt ra, ông sẵn sàng nhường lại ghế CEO.

“Nếu đã định dạng, quy hoạch, đào tạo được người trẻ, có nhiệt huyết, đam mê thì mình chỉ cần ở bên động viên, hỗ trợ về kinh nghiệm”, ông nói và cho rằng, điều hành ngân hàng trong thời điểm hiện nay khó nhất là quan điểm kinh doanh. Một lãnh đạo về bản chất có thể rất tốt, nhưng nếu quan điểm kinh doanh chệch hướng thì cũng rất dễ đưa một DN dù lớn đến đâu tuột dốc, sa lầy. Vì vậy, theo ông Bình, làm lãnh đạo là phải quyết đoán, nhưng quyết đoán không có nghĩa là độc đoán mà phải biết lắng nghe, kể cả phải biết rút tỉa kinh nghiệm từ những thất bại vốn dĩ là một phần tất yếu của hoạt động kinh doanh.

(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)

[links()]