- Dù có buổi làm việc với các cấp chính quyền nhưng tiểu thương vẫn bãi thị, giăng khẩu hiệu, cố thủ vây chợ Bát Tràng.
Phản đối đến cùng
Mặc dù chiều qua (5/11), ngay sau cuộc bãi thị, bao vây chợ Bát Tràng của hàng trăm tiểu thương, các bên liên quan đã có cuộc họp bàn do ông Dương Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chủ trì và sáng nay, tiếp tục có cuộc gặp gỡ với các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, hàng trăm tiểu thương vẫn giăng khẩu hiệu, “vây” chợ vì cho rằng, kết luận của cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết được vấn đề gì.
|
Sáng nay, hàng trăm tiểu thương vẫn bãi thị, "vây" chợ Bát Tràng. |
Theo kết luận của buổi họp bàn, trong thời gian chờ các cơ quan liên quan giải quyết, UBND huyện yêu cầu Công ty cổ phần sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng) khẩn trương xây dựng đơn giá cho thuê ki-ốt (đơn giá đề nghị của Hapro đối với các hộ dân trước đó là 60.000 đồng/m2, gấp 3 lần so với giá thuê cũ là 20.000 đồng/m2). Phòng Kinh tế, Tài chính - Kế hoạch của huyện và UBND xã Bát Tràng sẽ xem xét, thống nhất đơn giá cho thuê theo đề xuất của Hapro trên cơ sở phù hợp với các quy định và tình hình thực tế.
Sau khi xác định đơn giá, các bên liên quan cùng họp, thỏa thuận thống nhất đơn giá làm cơ sở cho việc thương thảo tiếp tục kí kết hợp đồng thuê ki ốt. Thời gian hoàn thành trước 15/11. Trong thời gian này, Hapro khẩn trương thành lập Ban quản lý chợ, thành phần tham gia phải có đại diện các hộ kinh doanh, thực hiện xong trước ngày 15/11. Việc thuê ki ốt, cần ưu tiên các hộ đang kinh doanh trong chợ và các hộ dân xã Bát Tràng, hoàn thành trước ngày 25/11.
Đánh giá về kết luận này, bà Nguyễn Thị Lụa, một tiểu thương tại chợ gốm Bát Tràng cho hay: “Các đơn vị và bà con đều nhìn nhận thấy Ban quản lý (BQL) chợ cũ đã hoạt động rất hiệu quả từ khi thành lập chợ năm 2004 đến nay. Vậy, chẳng có lý do gì để xóa sổ BQL cũ. Chúng tôi cho rằng, việc điều hành hoạt động kinh doanh của chợ phải do BQL của HTX chợ Gốm làng cổ Bát Tràng quản lý mới đúng nguyện vọng của chúng tôi”.
|
Tiểu Thương mang cơm nắm, muối vừng ra "chiến đấu". |
|
Các loại trống cỡ lớn cũng được huy động để phục vụ cuộc bãi thị. |
Theo quan sát của Kiến Thức, sáng nay, hàng trăm tiểu thương vẫn giăng khẩu hiệu, biểu ngữ đứng chắn kín lối vào tại cổng chợ Gốm Bát Tràng. Thậm chí 4, 5 chiếc trống cỡ lớn, loa được huy động để phục vụ cho cuộc bãi thị, đấu tranh đòi quyền lợi. Cơm nắm, muối vừng được bà con mang ra ăn trưa tại chỗ. Hệ thống loa thông báo của chợ Bát Tràng tiếp tục phát đi cáo lỗi của tiểu thương về việc ngừng kinh doanh và nguyên nhân sự việc.
Các tiểu thương cho hay, họ sẽ bãi thị, đấu tranh đến khi nào giải quyết được những bức xúc của bà con.
Kiến nghị thu hồi đất của Hapro Bát Tràng
Sáng nay, ông Dương Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cũng có buổi gặp gỡ với các tiểu thương tại khu vực gần chợ Gốm Bát Tràng. Theo đó, đại diện cho các hộ kinh doanh tại chợ, ông Lê Phương Doanh, Chủ nhiệm HTX chợ Gốm làng cổ Bát Tràng đã đề nghị UBND huyện thu hồi lại đất do Hapro Bát Tràng đang quản lý, vì đơn vị này có nhiều vi phạm về quản lý đất đai.
Theo ông Doanh, từ khi được giao đất, Hapro Bát Tràng kinh doanh kém hiệu quả và sử dụng đất sai mục đích trong một thời gian dài. Thông báo số 143 ngày 1/3/2012 của UBND huyện Gia Lâm cũng chỉ rõ, UBND xã Bát Tràng cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về quản lý trên địa bàn vì để xảy ra những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của Hapro Bát Tràng. Cụ thể, việc tiếp nhận bàn giao 2 khu đất phân xưởng I và khu nhà trẻ mẫu giáo khi chưa được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi và giao đất theo quy định của Luật đất đai, không tiến hành lập hồ sơ xử lý đối với các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không phép của các hộ thuê mặt bằng, thuê nhà của Hapro…
|
Ông Dương Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm tại buổi gặp gỡ tiểu thương sáng nay. |
Từ những sai phạm này, HTX chợ Gốm làng cổ Bát Tràng đề nghị Hapro Bát Tràng phải tiến hành thanh lý tài sản trên đất, trả cổ tức lại cho cổ đông; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các sai phạm của công ty theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định cho các hộ đang kinh doanh thuê lại phần đất tại chợ Bát Tràng. Việc thuê lại này sẽ thông qua đại diện của các hộ kinh doanh là HTX chợ Gốm làng cổ Bát Tràng.
Trao đổi với Kiến Thức, ông Dương Dũng cũng cho biết, việc Hapro sử dụng đất sai mục đích đã được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội kết luận. Hapro được giao đất nhưng hoạt động không hiệu quả trong nhiều năm, cho các hộ thuê không đúng quy định. Cử chi của xã Bát Tràng đã kiến nghị việc này lên các cấp. “Những kiến nghị chính đáng của nhân dân, UBND huyện sẽ chỉ đạo yêu cầu các bên liên quan phối hợp giải quyết thỏa đáng, công khai, dân chủ”, ông Dũng nói.
Về việc cần giải quyết tình hình đang căng thẳng hiện nay để chợ có thể hoạt động bình thường trở lại, ông Dũng cho rằng, phải có sự hợp tác từ phía nhân dân: “Sáng nay, tôi đã nêu rõ tình hình để nhân dân hiểu và đã mời các hộ ra kinh doanh. Vấn đề là nhân dân cần bình tĩnh, am hiểu các quy định của pháp luật để cùng ngồi bàn bạc với nhau cho thấu tình đạt lý. Giải quyết những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, các ban ngành chức năng sẽ đứng ra làm trung gian, đảm bảo công bằng công khai. Riêng vấn đề an ninh tại chợ, chúng tôi đảm bảo không để xảy ra vấn đề gì nên các hộ cứ yên tâm kinh doanh bình thường”, ông Dũng khẳng định.
Nguyên Đan
[links()]