Cả làng phú quý nhờ nghề
Đến Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, vang qua luỹ tre làng, trải trên các cánh đồng suốt ngày không dứt. Gặp ông Lê Bá Chung, chủ nhiệm HTX quỳ vàng, chúng tôi được biết: Hiện tại làng Kiêu Kỵ có gần 100 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, bạc quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Đến nay cả làng có 6 nghệ nhân được nhà nước công nhận. Tính đến thời điểm này nghề làm vàng quỳ ở Kiêu Kỵ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước, tranh sơn mài…
Trong căn nhà xây ba tầng to đẹp, khang trang nhất nhì trong làng, ông Nguyễn Anh Chung (1968), một nghệ nhân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề kể với chúng tôi: Nghề làm vàng quỳ đã phát triển ở Kiêu Kỵ hơn 400 năm nay mang lại cho người dân ở đây cuộc sống ấm no, sung túc. Gia đình ông đã có 4 đời làm nghề, ông rất muốn truyền nghề lại cho con trai của mình để tiếp nối truyền thống quê hương.
|
Nghề dát vàng truyền thống đã giúp người dân Kiêu Kỵ có cuộc sống khấm khá. |
Ông cũng cho biết: Thu nhập của người làm vàng quỳ phụ thuộc vào từng thời điểm, có những lúc thu nhập chỉ có 5 -10 triệu đồng/tháng nhưng có thời điểm thu nhập là vô kể. Vì giá vàng quỳ phụ thuộc vào giá vàng trên thị trường nên cũng lên xuống thất thường. Tuy vậy, người lao động trong làng vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Có thể nói, nghề dát vàng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở Kiêu Kỵ và là thứ nghề phụ “hái ra tiền” trong những lúc nông nhàn của nhiều người dân.
Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề làm vàng quỳ đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp và có không ít gia đình có cuộc sống khấm khá thậm chí là giàu có nhờ nghề này.
Rộ mốt dát vàng phục vụ đại gia
Tâm sự về nghề dát vàng, nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cho hay: Vào những năm 80 của thế kỷ trước tưởng chừng nghề truyền thống của cha ông bị biến mất, mỗi năm chỉ được cấp một vài cân nguyên liệu vàng, bạc. Vì khan hiếm nguyên liệu nên hầu như mọi người đều bỏ nghề. Mãi cho đến cuối những năm 80, bước vào thời kỳ mở cửa, lúc này vàng bạc được cung cấp nhiều hơn nên làng nghề hoạt động trở lại.
|
Dát vàng nội thất, nhà cửa đã trở thành mốt trong giới đại gia. |
Những năm gần đây, thị trường phát triển, nhu cầu của xã hội nhất là khách du lịch và các công ty chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, kỹ nghệ cũng nhiều hơn. Hiện người dân Kiêu Kỵ làm ra cả quỳ tân, quỳ thiếc, quỳ bạc, tuy nhiên phát triển nhất vẫn là quỳ vàng. Ông Chung cho biết: Nhiều đại gia ở Hà Nội và các tỉnh cũng thuê thợ ở làng Kiêu Kỵ để dát vàng cho những đồ dùng, thậm chí là cả nhà để thêm phần bề thế. Gần đây nhất, một đại gia ở Thái Nguyên đã thuê ông và một số thợ ở làng dát hơn 20 cây vàng lên toàn bộ đồ thờ của gia đình.
Hiện nay, mốt dát vàng nội thất đang rộ lên trong giới đại gia khiến nhiều đại gia không ngần ngại đầu tư bạc tỷ, thuê thợ về dát vàng toàn bộ ngôi nhà theo kiến trúc hiện đại, để thể hiện đẳng cấp giàu có của mình. Hơn nữa, Kiêu Kỵ được xem là nơi nghề độc quyền về nghề dát vàng ở nước ta nên những đại gia có nhu cầu đều phải tìm đến. Và chính vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ của các công đoạn cùng với sự đắt giá của nguyên liệu đã khiến nghề dát vàng chỉ phục vụ cho các công trình đền chùa và các đại gia lắm tiền nhiều của.
Nguyễn Nguyên