Nhằm săn cơ hội bán nhà đất cho Việt kiều và người nước ngoài, một công ty bất động sản đã mời Nguyên Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Lê Thành Ân làm cố vấn quan hệ quốc tế và MC (người dẫn chương trình) Nguyễn Cao Kỳ Duyên làm đại sứ thương hiệu. Giá trị của thương vụ này vẫn nằm trong vòng bí mật.
|
Nguyên Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM Lê Thành Ân (người thứ ba từ trái sang) và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (người thứ ba từ phải vào) vừa trở thành cố vấn quan hệ quốc tế và đại sứ thương hiệu của Hưng Thịnh Corp. |
Đầu năm 2014, một doanh nghiệp khác đã có chiến dịch mời nhiều ca sĩ tên tuổi đầu tư vào hàng loạt dự án căn hộ tại TP HCM của doanh nghiệp. Cuối tháng 3, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố đầu tư vào dự án Galaxy 9x sau khi đã mua căn hộ Runsire City cách đây không lâu.
Hai hôm sau, đến lượt Lam Trường mua căn hộ cũng của chủ đầu tư này tại quận 2. Vài tuần sau, đến lượt MC Bình Minh và diva Mỹ Linh trở thành khách hàng của dự án Tropic Garden, The Prince Residence. Mới đây nhất, ngày 13/5 danh ca Bằng Kiều cho biết mua cùng lúc 2 căn nhà tại chung cư Lexington.
Theo các chuyên gia, dù những thương vụ đầu tư, mua nhà, làm cố vấn, đại sứ thương hiệu của người nổi tiếng diễn ra ở bất cứ hình thức nào cũng đều là chiêu tiếp thị bất động sản có mục đích riêng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh các mặt thuận lợi cũng có không ít điều bất lợi.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu nhận xét, nỗ lực quảng bá thương hiệu bằng việc thuê người nổi tiếng làm cố vấn hay đại sứ là cách tiếp cận thị trường rất tốt. Là người của công chúng, các nhân vật nổi tiếng có thể giúp doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm hiệu quả hơn, thu hút sự chú ý của cộng đồng ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Xu hướng này có thể sẽ được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong tương lai.
Ông Châu đánh giá riêng trường hợp của Hưng Thịnh, bên cạnh lợi thế mà các đại sứ nổi tiếng có thể mang lại, doanh nghiệp cần phải lường trước độ trễ của chính sách. Đặc biệt là từ giai đoạn dự thảo đến khi đi vào thực tiễn, các chính sách về sở hữu, kinh doanh nhà ở cho người nước ngoài vẫn còn vấp phải những ý kiến bảo thủ.
Nhìn các thương vụ này ở góc độ marketing thuần túy, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn đánh giá: "Cái lợi trước mắt là tốc độ bán hàng sẽ cải thiện nhờ cộng hưởng hình ảnh với người nổi tiếng. Còn thách thức là sự gắn kết của các ngôi sao với dự án được bao lâu và phát sinh chi phí nhưng không làm gia tăng giá trị".
Theo ông Hoàn, người mua nhà có tâm lý muốn ở gần, tiếp cận những người nổi tiếng. Tuy nhiên, đa phần đó chỉ là hình ảnh ngắn hạn trong một thời điểm nhất định biểu hiện qua thời gian thực hiện các hợp đồng quảng cáo, làm thương hiệu.
Chẳng ai chắc chắn khi dự án hoàn thành, bàn giao nhà, các ngôi sao, người nổi tiếng có dọn đến sinh sống hay không. Tương tự, sẽ rất khó yêu cầu người nối tiếng, chính khách làm đại sứ, cố vấn cho thương hiệu một cách vô thời hạn.
Khảo sát của chuyên gia này, chi phí mời các ngôi sao, người của công chúng thậm chí là chính khách làm thương hiệu cho dự án không có mức giá cụ thể mà tùy thuộc vào độ gắn kết với dự án. Nếu chỉ cho mượn hình ảnh để quảng cáo thì giá rẻ vì chính bản thân các ngôi sao cũng được tiếng thơm là đắt show.
Tuy nhiên, nếu người nổi tiếng phải xuất hiện cả trong những sự kiện quan trọng của doanh nghiệp, tham gia vào chiến lược bán hàng dài hơi thì chi phí sẽ cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí các V.I.P này còn được nhận hoa hồng nếu hiệu quả kinh doanh tốt.
"Điều cần chú ý là chủ đầu tư không dại gì ôm các khoản chi phí một mình. Họ sẽ cộng tất cả vào giá thành, làm giá sản phẩm tăng lên trong khi chất lượng, kết cấu công trình không thay đổi và người tiêu dùng sẽ phải trả các chi phí này", ông Hoàn nói.
Trong khi trước đó, thị trường bất động sản ế ẩm, chi phí giới thiệu sản phẩm thấp, các công ty BĐS đã dùng mọi chiêu thức để quảng bá cho người tiêu dùng, thậm chí là rao bán trong nhà vệ sinh.
Những tấm băng rôn quảng cáo rao bán nhà đất có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng của những căn chung cư, nhà liền kề, biệt thự được treo la liệt trên gốc cây, cột điện tại các tuyến đường Hà Nội như Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng, Trần Thái Tông … thậm chí còn len lỏi vào cả những tuyến đường nhỏ như Thanh Bình (Hà Đông), Lương Thế Vinh…
Không chỉ nằm trên thân cây, cột điện, những tờ rơi quảng cáo khổ A4, A5 cũng được nhân viên của các sàn giao dịch phát cho người đi đường tại các ngã tư dừng đèn đỏ.
Vừa qua, nhân viên sàn Đông Á còn tổ chức rao bán bằng những đoàn xe máy chạy khắp các tuyến phố chính của Hà Nội. Chiêu bán dạo nhà đất bằng xe hơi thời gian qua cũng khiến nhiều người chú ý.
Thông tin “Bán đất 50 năm có sổ đỏ, diện tích 13.130m2, giá hiện tại 15 tỷ 500 (có VAT) giá bán cắt lỗ còn 12 tỷ 500 (có VAT), cách hồ gươm 25km” được dán quanh thân xe. Dòng chữ to rõ ràng với đầy đủ thông tin mảnh đất được rao bán cắt lỗ tới 3 tỷ đồng càng cho thấy sự trượt dốc thê thảm của thị trường.
Việc dùng sơn, quảng cáo bằng giấy cũng được sử dụng để rao bán bất động sản. Hình thức này từ trước đến nay thường dùng cho các dịch vụ như khoan cắt bê tông, thuê gia sư….
Gốc cây, cột điện, bờ tường vẫn chưa đủ, quảng cáo bán chung cư còn án ngữ trong nhà vệ sinh của quán bia. Cụ thể là quán bia trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội) mà ngay cạnh đó là một tấm biển quảng cáo chữa trị bệnh tiết niệu nam khoa.
Nguyên nhân khiến bất động sản đổ xuống đường rao bán theo một nhân viên sàn giao dịch tại Hà Đông, Hà Nội là do, sàn giao dịch nhận dự án để phân phối nhưng chi phí giới thiệu sản phẩm thấp, việc bán căn hộ không dễ dàng nên sàn phải huy động đủ mọi cách để giới thiệu được sản phẩm của mình đến khách hàng.
Theo Báo Đất Việt