Bề dày "thành tích bất hảo"
Năm 2009, dư luận được dịp bất ngờ khi biết tin phi công của Vietnam Airlines bị bắt ở Nhật Bản do có liên quan đến tội mua hàng ăn cắp của các nhóm người Việt rồi “tuồn” về Việt Nam theo đường hàng không. Ngày 26/3/2009, tòa án quận Saitama đã tuyên phạt viên phi công này 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm và phạt 500.000 yen Nhật.
Tháng 4/2012, nam tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA) lại tham gia mang đồ điện tử từ Australia về Việt Nam tiêu thụ. Khi về đến Việt Nam và bị bắt, nhân viên này đã bị tòa án Nhân dân TP HCM tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù treo. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lần theo đường dây từ tháng 10/2008 và xác định có khoảng 400 kiện hàng đã được hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia vận chuyển trái phép từ Australia về Việt Nam.
Ngày 3/6/2012, Cục Hải quan Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài. Vụ việc liên quan tới hành vi buôn lậu số hàng trị giá hơn 2 tỷ đồng của 9 tiếp viên hàng không VNA trên chuyến bay mang số hiệu VN534.
Chuyến bay VN106 của Vietnam Airlines từ Paris đến Nội Bài hạ cánh lúc 6h25 sáng 22/9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị nhân viên an ninh sân bay phát hiện mang 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không khai báo.
Vào tháng 3/2014, một nữ nhân viên của hãng hàng không VNA bị tình nghi mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp tại Nhật Bản. Đó là nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 Yen Nhật (tương đương 25,7 triệu đồng).
Như vậy, việc phi công và tiếp viên rủ nhau "buôn vàng" lần này chỉ là hành vi làm dày thêm những "thành tích" chẳng hay ho gì của VNA. Càng nghịch lý hơn khi mà thời gian gần đây, hãng bay đã tiến hành đại hội cổ đông, ra sức cải thiện hình ảnh thương hiệu quốc gia bằng mọi biện pháp như thay đổi đồng phục cho nhân viên, sơn màu mới cho máy bay... thì vụ việc này dường như đã nhấn chìm mọi nỗ lực đó.
Cảnh báo một tương lai không sáng sủa
Một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra: Vì sao VNA mang thương hiệu quốc gia lại giáo dục, quản lý nhân viên lỏng lẻo đến vậy, tới mức để liên tiếp xảy ra những hành vi buôn lậu liều lĩnh, bất chấp lật pháp danh dự như thế? Trong báo cáo thường niên của VNA, bao giờ cũng là “màu hồng" với một chuỗi thành tích nhiều năm liền đều làm ăn có lãi, năm sau cao hơn năm trước; Lương của cán bộ nhân viên cao... Song sau vụ việc này thì không ít người nghi ngờ rằng có lẽ yếu tố kinh tế đang chi phối lý trí của những tiếp viên hàng không này, tới mức khiến họ phải làm liều, vụ trước chưa ráo mực đã đến vụ sau?
Mới thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước việc nhiều nhân viên hàng không, trong đó có cả phi công của VNA xin nghỉ việc để sang làm tại hãng hàng không khác, khiến VNA không khỏi lúng túng đối phó và phải ra tối hậu thư để giữ nhân viên, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và sản xuất kinh doanh.
Yếu tố kinh tế quyết định bộ mặt của một doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đã và đang cảnh báo cho tương lai không mấy sáng sủa của VNA. Từ vị thế hãng hàng không dẫn đầu, chiếm trên 90% thị phần vận tải hàng không đến nay hãng đã tụt xuống còn 54% thị phần.
Giới chuyên gia cho rằng, những sự vụ không hay của dàn tiếp viên hàng không đang phần nào phản ảnh bức tranh nội bộ VNA. Đã đến lúc, hàng không VNA phải biết lắng nghe các nhà khoa học để biết mình là ai trong thương trường hàng không; phải biết tìm hiểu tâm tư, đời sống của nhân viên viên để quản lý họ phù hợp hơn, hiệu quả hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.
TS Trần Đình Bá – Hội viên hội Khoa học Kinh tế VN