Theo TS Phạm Sỹ Liêm, xây dựng tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới đòi hỏi phải tính toán vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ bởi vấn đề công nghệ, kỹ thuật rất rất phức tạp. Ngay cả những kiến trúc sư hàng đầu thế giới thực hiện cũng có thể xảy ra những sai sót. Hơn nữa, ở Việt Nam, bài học về tháp truyền hình Tam Đảo bỏ không dù đầu tư rất nhiều tiền, vẫn còn nguyên giá trị.
Tháp truyền hình Tam Đảo bỏ không còn đó!
- Dự án tháp truyền hình cao 636m mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cùng các đối tác đang dự kiến xây dựng có tổng vốn đầu tư ít nhất là 1,5 tỷ USD đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ở góc nhìn cá nhân, ông ủng hộ hay phản đối việc xây tháp truyền hình này?
- Tôi không phản đối hay ủng hộ nhưng tôi mong muốn đơn vị chủ dự án xây tháp truyền hình làm thế nào để chứng minh được những lý lẽ thuyết phục chứ hiện nay thì những cái đó không rõ ràng. Còn việc xây tháp truyền hình cao nhất thế giới hay không, tôi không phản đối.
|
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói về đề án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới. |
- Những điều gì là chưa rõ ràng thưa ông?
- Một cái tháp như thế thì đầu tư rất đắt tiền, thế thì hiệu quả kinh tế đem lại là cái gì, phải nói cho rõ. Rồi tháp cao như thế thì vấn đề kỹ thuật của nó rất phức tạp, không biết người ta đã xét đủ hết chưa. Nền móng tháp làm như thế nào, tính toán chấn động trước áp lực gió và động đất ra sao. Tháp càng cao thì những yếu tố tác động đó càng mạnh. Các kết cấu của tháp, ví dụ như lên tháp cao như thế thì phải trang bị loại thang máy đặc biệt tốc độ siêu nhanh chứ không phải loại thang máy bình thường. Rồi hàng hóa đưa lên, chất thải đưa xuống khá phức tạp. Rồi vấn đề chống sét như thế nào.
- Quả thực là quá nhiều vấn đề phải tính toán?
- Đúng thế, trước đây tôi được biết VTV đã xây một cái tháp truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cao khoảng 100m, nó có thể phủ sóng cả miền Bắc. Thế nhưng, xây xong lại không dùng được vì sét đánh ghê quá, người dân cũng không sống được quanh đấy. Thế là bỏ, lãng phí không biết bao nhiêu tiền.
- Thế cơ ạ?
- Tôi mới đặt câu hỏi cho VTV, liệu họ có nhớ đến cái tháp truyền hình kia hay không? Tôi được biết ngày đó người ta làm cũng tính toán đủ thứ rồi, vận chuyển vật liệu lên rồi lắp đặt cũng rất là khó khăn. Đó là thành công về mặt kỹ thuật rồi. Ấy thế mà chỉ sơ xuất về một vấn đề nhỏ là chống sét thôi, mà rồi cuối cùng phải bỏ đi hết. Vậy thì làm một công trình lớn nhất thế giới như thế này, anh tính toán đủ thứ nhưng đã đủ thật chưa? Chỉ cần một sai sót rất nhỏ thôi cũng gây hậu quả lớn.
- Nếu có sai sót ở công trình lớn với mức đầu tư nhiều như thế, thì hẳn là khủng khiếp lắm?
- Đúng thế, khi đó thì từ một công trình hùng vĩ tiêu biểu của cả đất nước sẽ trở thành một biểu trưng cho sự buồn cười thì rất nguy hiểm. Đó là những điều tôi thấy băn khoăn dưới góc nhìn của một chuyên gia.
Tôi sợ là người ta đã quên!
- Ông đã đi thăm nhiều tháp truyền hình chưa?
- Tôi đã từng được mời ăn cơm trên tháp Eiffel, tham quan tháp truyền hình Tokyo, rồi giáo sư hướng dẫn của tôi là cố vấn về mặt kết cấu cho tháp truyền hình Ostankino ở Mát-xcơ-va. Ít nhiều tôi thấy những vấn đề của nó khá phức tạp. Chính bản thân tôi đã lên tham quan tháp truyền hình trên đỉnh Tam Đảo rồi nên tôi cũng có biết chút ít.
- Tháp truyền hình ở Tam Đảo xây lâu chưa ạ?
- Lâu rồi, xây từ thời trước đổi mới, giai đoạn chúng ta mới có truyền hình thôi.
- Lúc đó cũng đầu tư nhiều mà không dùng được?
- Đúng thế!
- Hẳn là bài học này vẫn còn giá trị?
- Tôi sợ là bây giờ người ta không biết, người ta đã quên mất đã từng có cái tháp truyền hình xây xong rồi bỏ đi ấy.
- Một số tháp truyền hình mà ông từng đến tham quan có điều gì thú vị không?
- Tôi thấy tháp truyền hình ở Tokyo khá hay, ví như ở phía dưới chân tháp người ta làm giống như thủy cung, thu hút rất nhiều khách tham quan.
- Công nghệ như ông nói rất phức tạp, thì hẳn là cũng không nhiều quốc gia làm được?
- Phức tạp lắm chứ, nếu dễ thì người ta đã làm khắp nơi được. Tháp truyền hình chính là một kỳ công về công nghệ đấy. Ví dụ như nếu làm bằng kim loại, chỉ bằng sức nóng của Mặt Trời cũng đã có thể làm cho tháp bị cong rồi. Rồi các vấn đề ứng suất, mối hàn, rất nhiều chuyện khác, không dễ đâu. Đa phần những cái tháp cao ấy là phía trên nó gồm các kết cấu dùng cho việc phát sóng...
Có sai sót là cực nguy hiểm
- Ông nghĩ vì sao người ta lại có ý tưởng làm tháp truyền hình cao nhất thế giới trong thời điểm này?
- Bản thân tôi nghĩ những người làm đề án này cũng không phải là những người nhẹ dạ, hẳn là họ cũng đã mời chuyên gia, lập kế hoạch cụ thể và hẳn là cũng chi khá nhiều tiền để làm. Nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn nhắc rằng những công trình lớn trên thế giới vẫn có sai sót. Không phải là những chuyên gia hàng đầu thế giới làm là không có sai sót đâu, cho nên phải rất cẩn thận.
- Nói thế thì cũng rất vô cùng dù là công trình to hay nhỏ?
Giá như nó là công trình cao thứ 10 thế giới hay cái tầm tầm đó, khi có sự cố gì còn đỡ. Nhưng nếu cao nhất thế giới, hàng triệu con mắt nhìn vào, cái hay thì cũng rất hay nhưng nếu có sự cố thì họ cũng bêu riếu, rất là dở đấy.
- Đấy là ông nghĩ sâu xa về sau này?
- Vâng, nhưng tôi tin rằng nếu họ quyết tâm làm cẩn thận thì cũng có thể làm được.
- Nhiều người băn khoăn việc xây tháp truyền hình mà những hạng mục kinh doanh dịch vụ như nhà ở chiếm diện tích, đầu tư lớn. Vậy ta xây tháp truyền hình hay là để kinh doanh?
- Thực ra việc tích hợp công năng sử dụng ở những công trình này là chuyện bình thường. Đa phần những công trình như thế này phải đa chức năng, nên nó không có gì là mâu thuẫn đâu. Tháp E mới đầu chỉ thuần túy điểm làm hội chợ, nhưng giờ nó là một điểm du lịch, rồi dùng vào công việc phát thanh truyền hình, du lịch, dịch vụ... Có thu hồi vốn đủ hay không thì không biết nhưng nó phải đa chức năng. Vấn đề là phải lường trước được những sự cố có thể xảy ra, vì nếu để xảy ra thì phương pháp xử lý không dễ dàng gì đâu.
Còn cứ có tiền thì muốn nhất thế giới cũng không khó gì. Bỏ tiền ra đi mua thôi chứ không phải mình sản xuất ra. Thiên hạ cũng vẫn đi mua cả đấy. Chỉ có điều phải lưu ý, ví dụ mời một anh giỏi làm thì phải mời 2 - 3 người khác đánh giá, chứ còn cứ tin rằng mình làm là nhất thế giới, không kiểm tra giám sát thì nguy.
- Bởi ngay cả người giỏi nhất cũng có sai sót?
- Đúng thế, xảy ra đầy trên thế giới. Có những cái cầu to đẹp hoành tráng là thế cũng sập. Đập nước vào loại kỷ lục thế giới cũng vỡ, không đơn giản đâu!
- Trân trọng cảm ơn ông!
Mời quý độc giả xem video: (Nguồn Vo Media):
Tô Hội