Intimex Việt Nam ra đời vào năm 1979, tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Nội thương và Hợp tác xã trực thuộc Bộ Công Thương. Doanh nghiệp này từng chịu trách nhiệm kinh doanh xuất nhập khẩu dưới hình thức trao đổi hàng hóa nội thương và hợp tác xã với khối xã hội chủ nghĩa và một số quốc gia khác.
Năm 2009, Intimex Việt Nam được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vốn nhà nước. Trong thời gian này, Tập đoàn BRG cũng đã có “dính dáng” tới Intimex Việt Nam khi sở hữu 11,59% cổ phần tại đây, đồng thời bà Nguyễn Thị Nga - chủ BRG và Chủ tịch của SeABank cũng là Chủ tịch HĐQT Intimex Việt Nam.
|
Tập đoàn BRG thâu tóm Intimex Việt Nam - Ảnh nguồn: Internet. |
Đến cuối năm 2015, thị trường tài chính xôn xao với thông tin Tập đoàn BRG thâu tóm Intimex Việt Nam với việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC bán 34,3% tại Intimex Việt Nam cho Công ty Thung lũng Vua –một thành viên của Tập đoàn BRG.
Cụ thể, SCIC sẽ bán toàn bộ 12.254.600 CP đang nắm giữ tại CTCP Intimex Việt Nam, tương đương 49,02 vốn điều lệ (250 tỉ đồng). Trong đó, đấu giá công khai 3.676.400 CP (chiếm 14,7% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 11.200 đồng/CP vào ngày 20/10/2015, bán 8.578.200 CP còn lại (chiếm 34,32% vốn điều lệ) cho Công ty TNHH Thung Lũng Vua, thành viên Tập đoàn BRG (20 năm kinh doanh sân golf). BRG đang sở hữu 11,59% vốn của Intimex VN.
Và với tiềm lực của mình thì BRG hoàn toàn có khả năng thâu tóm công ty có vốn chủ sở hữu chỉ 250 tỷ đồng, và trở thành cổ đông lớn nhất tại Intimex Việt Nam với tỷ lệ sở hữu cả gián tiếp và trực tiếp lên đến 45,89%. Như vậy, từ chỗ là một doanh nghiệp nhà nước chuyên xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm, Intimex Việt Nam sẽ chịu sự kiểm soát hoàn toàn của một tập đoàn tư nhân chưa từng hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo giới phân tích, lý do khiến BRG Group - một trong những tập đoàn tư nhân lớn, hoạt động kinh doanh chủ đạo là tài chính ngân hàng, khách sạn, sân golf, bất động sản nhà ở… muốn thâu tóm Intimex Việt Nam – công ty kinh doanh XNK, siêu thị và nuôi tôm công nghiệp liên tục thua lỗ hàng tỷ đồng có liên quan đến quỹ đất lớn mà Intimex Việt Nam đang quản lý.
Được biết, Intimex Việt Nam có quỹ đất rất lớn tại 8 tỉnh, thành phố, gồm: đất được giao là 2.521 m2 đất tại Đồng Nai, Đà Nẵng và Tp. Hải Dương; đất thuê của Nhà nước gồm: 37.383 m2 tại những vị trí đẹp tại Hà Nội (Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Láng Hạ…), 2,1 triệu m2 đất nuôi trồng tôm công nghiệp tại Nghệ An, 166.500 m2 tại Thanh Hóa, 1,45 m2 tại Quảng Ninh (1 triệu m2 nuôi hải sản) và 7.000 m2 tại thành phố Hải Phòng. Nếu hoàn tất thương vụ với Intimex Việt Nam, quỹ đất của BRG được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Văn phòng UBND TP vừa có văn bản số 5584/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về Quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Với động thái này, nhiều người cho rằng, đầu tư vào khách sạn sang trọng ở khu đất “kim cương này” mới là mục đích của BRG khi thâu tóm Intimex, cũng như các quỹ đất khác của công ty này.
Hồng Liên (Tổng hợp)