Sự cố mất điện tại Tân Sơn Nhất: “ACC HCM đã tê liệt từ lâu“?

Google News

(Kiến Thức) - TS Trần Đình Bá bày tỏ quan điểm của mình trước sự cố mất điện chưa từng có xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20/11, gây xôn xao dư luận...

 
Tôi không quá bất ngờ về sự cố này vì đã vốn biết sơ hở lớn ở đây. Tốc độ thương mại của máy bay Boeing, Airbus là 800- 900 km/h vậy mà kiểm soát không lưu của ta trả lời chậm tới 17 phút thì thử hỏi máy bay đã bay qua 250 km rồi thì còn đâu mà điều hành? Trong sự cố mất điện làm gián đoạn điều hành tới một tiếng đồng hồ tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), máy bay đã bay tới 800-900 km trong trạng thái "không người lái", phi công có nhìn bằng mắt cũng không điều khiển được để tránh vì lúc này tốc độ giữa hai máy bay ngược chiều là 1.600 – 1.800 km/h, như viên đạn bắn ra từ nòng súng. Rất may vùng thông báo bay FIR HCM ở Tân Sơn Nhất thưa thớt nên không xảy ra tai nạn chứ trên bầu trời châu Âu thì rất dễ xảy ra thảm họa quốc tế vì sẽ có nhiều máy bay bị đâm nhau chứ không thể là 2 chiếc…
Thật ra, ACC HCM tại sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ vì sự cố mất điện mới thấy được mà nó đã “tê liệt” từ lâu rồi. Trước đó một ngày đã có vụ chiếc máy bay của Vietnam Airlines suýt đâm vào một máy trực trăng bay quân sự cũng đã nói lên điều đó.
Theo tôi nhìn nhận, sự cố mất quyền điều hành bay hơn một giờ do mất điện là sự cố nghiêm trọng mang tầm thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam hay khu vực. Chắc chắn Hiệp hội hàng không dân dụng quốc tế ICAO sẽ không bỏ qua sự cẩu thả này.
Phải phân tích rõ để thấy được sự nguy hiểm của sự cố này. Máy bay bay trên trời nhưng lại điều khiển dưới mặt đất, phi công trên máy bay điều khiển thao tác theo mệnh lệnh của trung tâm điều hành không lưu, không có mệnh lệnh mặt đất thì không thể cất hạ cánh được. Nếu phi công liều lĩnh cho hạ cánh là thảm họa vì đưới mặt đất chưa chuẩn bị. Nếu bay bình thường trên bầu trời tránh nhau cũng theo mệnh lệnh của điều hành không lưu dưới mặt đấ . Mất liên lạc coi như máy bay trở thành “không người lái”.
Vấn đề nguồn điện tại các sân bay luôn được đặc biệt coi trọng, đặc biệt là điện phục vụ trung tâm điều hành không lưu phải đảm bảo 100% suốt 24/24. Một nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet hay điện thoại di động không được mất điện dù là một giây, một tòa nhà cao tầng phòng chống cháy còn có nhiều phương án dự phòng… Trong khi ở ACC HCM tầm quốc tế mà lại đơn giản quá: mất điện lưới, hỏng cả UPS (bình dự trữ điện năng)…
Về nguyên tắc an toàn, các máy móc tại đó đều phải tuân thủ nghiêm ngặt nhất về quy trình cung cấp thiết bị, lắp đặt, tem kiểm định, hồ sơ quản lý thiết bị, niên hạn sử dụng, quy trình bảo hành, niên hạn bảo hành, thời gian bảo dưỡng, chứng chỉ nghề nghiệp, kinh nghiệm vận hành…Tất cả đều phải có hồ sơ kiểm định và lưu trữ theo pháp lệnh đo lường, các tiêu chuẩn quy trình quy phạm của ngành điện và đặc biệt là luật hàng không. Nay với sự cố này, mở hồ sơ lưu trữ đó ra là biết ngay quản lý nhà nước về hàng không có sơ hở hay không?
Để xảy ra đến mức nghiêm trọng như thế chứng tỏ ngành hàng không và cơ quan quản lý nhà nước về hàng không đã bỏ qua những phương án phòng chống sự cố. Sự cố này đã khiến hàng loạt chuyến bay phải lòng vòng trên bầu trời. Theo người phát ngôn của Vietnam Airlines, 5 chuyến bay của hãng đã phải chuyển hướng hạ cánh, 4 chuyến bay khác phải bay chờ từ nửa tiếng trên trời mới có thể hạ cánh an toàn. Ngoài ra có 14 chuyến bay khởi hành chậm tại thời điểm xảy ra mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay và 22 chuyến bay cũng bị ảnh hưởng.
Một số hãng hàng không khác cũng cho biết nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng khởi hành chậm hơn lịch dự kiến từ 30-90 phút. Thiệt hại kinh tế ước chừng là rất lớn . Song điều đáng buồn hơn nữa là ngành hàng không Việt Nam chắc chắn lại nhận thêm được những đánh giá quốc tế không mấy tích cực vì sự cố chưa từng có này. Trách nhiệm suy đến cùng vẫn phải thuộc về cơ quản quản lý Nhà nước về ngành hàng không!
TS Trần Đình Bá