|
Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn Central Group đang tiến vào thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. |
Sau khi Central Group mở hai trung tâm bán lẻ Robinson tại Hà Nội và TP HCM với cái tên ROBINS hồi cuối năm 2014, Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn này lại tiếp tục tiến vào thị trường Việt Nam với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim.
Đại gia Thái Lan mua điện máy Nguyễn Kim, Central Group được thành lập bởi Tiang Chirathivat, người có 3 người vợ và 25 đứa con. Con cháu những gia đình này đang nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty niêm yết và công ty con của tập đoàn. Hiện nay, cháu nội ông Tiang Chirathivat là Tos Chirathivat, nắm giữ chức vụ giám đốc điều hành Central Group. Tos năm nay 49 tuổi, có bằng MBA tại đại học Columbia (Mỹ) và làm việc cho Citibank trước khi quay về Central Group vào năm 1989. Tos đang là nhân vật chủ chốt trong mảng bán lẻ của tập đoàn.
Năm 2014, tạp chí Forbes xếp gia đình Chirathivat trở thành gia tộc giàu có nhất Thái Lan, với khối tài sản trị giá 12,7 tỷ USD.
Chuỗi cửa hàng ROBINS không phải là dự án bán lẻ đầu tiên của Central Group ở Việt Nam. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc tập đoàn Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
|
Tập đoàn Central Group đã đầu tư mở hai trung tâm thương mại bán lẻ
ROBINS tại Việt Nam.
|
Theo Central Group, việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua năm ngoái.
Central Group hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á, có tuổi đời gần 90 năm. Ra đời vào năm 1927, Central Group không phải là một trung tâm thương mại mà chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại quận Thonburi ở bờ Tây sông Chao Phraya.
Chủ cửa hàng, Tiang Chirathivat không phải là người Thái mà ông di cư tới Bangkok từ Hải Nam, Trung Quốc trước đó 2 năm (năm 1925). Nhờ có tài kinh doanh, công việc làm ăn của Tiang Chirathivat diễn ra thuận lợi. Tới năm 1956, Tiang quyết định mở rộng kinh doanh. Ông mở ra khu trung tâm thương mại Central Trading tại Chinatown. Đây chính là tiền thân của Central Group ngày nay. Central Trading lúc đó bán nhiều loại mặt hàng, từ quần báo cho tới đồ gia dụng.
Tại thời điểm đó, Central Trading là trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, và cũng là nơi đầu tiên đề ra mức giá cố định. Trước đó, hàng hóa được bán theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Với việc đưa ra mức giá cố định không mặc cả, Central Trading trở thành một cuộc cách mạng trong kinh doanh bán lẻ tại Thái Lan.
Sau quãng thời gian tự mở rộng và phát triển, tới giai đoạn những năm 90, Central Trading đẩy mạnh việc thâu tóm các công ty khác. Tập đoàn này và liên doanh với nhà bán lẻ Pháp để cho ra đời thương hiệu Big C, chính thức bước chân vào kinh doanh siêu thị năm 1994.
Central hoàn tất việc thâu tóm nhà bán lẻ Robinson vào năm 1995, đồng thời đẩy mạnh đầu tư sang các loại hàng hóa đặc thù như chuỗi cửa hàng điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng tiện lợi...
Điểm nhấn của Central Group đó là thâu tóm khu phức hợp World Trade Center vào năm 2002. World Trade Center là khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng. World Trade Center sau đó đã được đổi tên thành CentralWorld, và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn.
Dưới sự lãnh đạo tài ba của gia tộc Chirathivat, tập đoàn Central Group ngày càng tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tích cực mở rộng ra nước ngoài.
Thảo Nguyên (tổng hợp)