Trước đó, Gucci, Yves Saint Laurent và một số nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của tập đoàn Kering (Pháp) nộp đơn kiện Alibaba lên tòa án Manhattan (Mỹ) để đòi bồi thường vì Alibaba đã vi phạm luật bảo vệ nhãn hiệu và gian lận thương mại. Alibaba bị kiện với cáo buộc đã tạo điều kiện cho người khác sản xuất và tiêu thụ hàng hiệu nhái mang các thương hiệu của Kering mà không được tập đoàn này cho phép.
|
Gucci, Yves Saint Laurent và một số nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của tập đoàn Kering (Pháp) đã kiện Alibaba về việc tiếp tay tiêu thụ hàng nhái. |
Hãng Kering cho biết trang web mua bán trực tiếp lớn nhất Trung Quốc Alibaba là nơi hàng giả,
hàng nhái của các nhãn hiệu cao cấp được bày bán công khai với giá thấp hơn 60% giá gốc của hãng. Nghiêm trọng hơn nữa, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc còn sử dụng một số thuật toán trong công cụ tìm kiếm cho phép những loại hàng nhái này được ưu tiên xuất hiện hơn hàng thật.
Trước những cáo buộc trên, đại diện tập đoàn Alibaba thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma đã phản pháo lại và cho rằng việc kiện tụng của Kering là lãng phí.
Bob Christie - người phát của Alibaba – tuyên bố trong một thông báo: “Chúng tôi vẫn tiếp tục hợp tác với các nhãn hiệu để giúp họ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chúng tôi đã làm rất tốt việc này. Thật không may là tập đoàn Kering đã chọn con đường kiện cáo lãng phí thay vì hợp tác theo cách mang tính chất xây dựng. Chúng tôi tin rằng đây là vụ kiện không có cơ sở và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”.
Trong vòng chưa đầy một năm, Kering đã hai lần đâm đơn kiện Alibaba. Tháng 7 năm ngoái, đơn kiện của tập đoàn này ngay lập tức bị rút lại trong khi các đơn vị của Kering làm việc để tìm ra một giải pháp hòa giải với Alibaba.
|
Những chiếc túi nhái được rao bán trên Alibaba.
|
Theo Kering, có hơn 2.000 chiếc túi nhái của Gucci được bán tràn lan trên Alibaba với giá từ 2 USD đến 100 USD trong khi một chiếc túi hàng thật được bày bán với giá khoảng 800 USD.
Chia sẻ về vấn đề này, tỷ phú Jack Ma đã phản pháo khá gay gắt. Ông cho biết: "Tôi thà thua kiện và mất tiền trong vụ kiện này còn hơn là mất đi phẩm giá và sự tôn trọng".
Jack Ma cũng bày tỏ sự thất vọng khi tập đoàn Kering chọn cách kiện tụng và đòi bồi thường thay vì hợp tác cùng Alibaba để đối phó với vấn nạn hàng giả.
Theo ông, Alibaba và Kering đang đi chung trên một con thuyền, họ cần hợp sức để chống lại kẻ thù hàng giả, chứ không nên quay ra công kích nhau.
Theo thống kê của Alibaba, công ty đã triển khai hàng loạt chính sách chống hàng nhái với hơn 2.000 nhân viên kiểm định hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong 2 năm qua, Alibaba đã chi hơn 160 triệu USD cho đội chống hàng giả này.
Thảo Nguyên