Sim rác Dương Chí Dũng gọi “ông anh” mật báo: lộ chuyện xấu nhà mạng

Google News

(Kiến Thức) - Vụ trọng án tham nhũng Dương Chí Dũng có sự hỗ trợ đắc lực của sim rác. Các nhà mạng biết lỗ hổng quản lý nhưng mờ mắt lợi nhuận, để liều...

Sim rác là sim điện thoại được bán tràn lan, trôi nổi trên thị trường mà không được đăng ký đầy đủ thông tin của người sử dụng. Chuyện sim rác bùng nổ đã có từ mấy năm qua và đã được các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh kiểm tra. Tháng 6/2012, để ngăn chặn sim rác, Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TTTT) có Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, trong đó nghiêm cấm mua bán sim điện thoại đã kích hoạt sẵn. Theo Thông tư này thì những khách hàng nào sử dụng sim trả trước, khi mua sim về muốn kích hoạt để sử dụng phải đăng ký thông tin cá nhân đầy đủ, nếu nhà mạng đối chiếu thấy thông tin hợp lệ thì sim mới được chấp nhận.
Vai trò của sim rác trong các vụ trọng án
Dù đã ra lệnh cấm nhưng thực tế, sim rác vẫn được bán tràn lan, nhiều đại lý vô tư bán sim khuyến mãi đã được kích hoạt sẵn cho khách hàng. Đây chính là kẽ hở tiếp tay cho tội phạm. Trong hầu hết các vụ án, tội phạm đều khai sử dụng sim rác làm phương tiện liên lạc khiến các cơ quan điều tra khó nắm bắt.
Sim rac Duong Chi Dung goi “ong anh” mat bao: lo chuyen xau nha mang
Sim rác đang góp sức đắc lực cho tội phạm. Ảnh minh họa. 
Trong vụ trọng án tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng bọn đang làm xôn xao dư luận thời gian gần đây, cũng có sự giúp sức đắc lực của sim rác. Bị cáo Dương Chí Dũng khai dùng số sim rác “tứ quý” để gọi điện cho một cán bộ cấp cao của Bộ Công an và được người này báo tin sẽ bị khởi tố, bắt giam nên Dũng biết và bỏ trốn. Để giúp sức cho anh trai “đào tẩu”, Dương Tự Trọng và đàn em dùng sim rác để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Nhiều vụ trọng án khác, để thực hiện trót lọt và che dấu hành vi phạm tội, tội phạm cũng đều sử dụng sim rác như vụ “siêu lừa” Trần Thị Hợp hồi đầu năm 2013. Để chiếm đoạt nhiều chục tỷ đồng, Hợp đã dùng sim rác giả làm số điện thoại của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhắn tới 7 cá nhân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên vận động góp tiền lo dự án…
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy - Công an TP.HCM, hầu như đối tượng phạm tội nào khi bị bắt giữ, khám xét, công an cũng thu được rất nhiều sim rác. Có đối tượng tàng trữ trong người hàng chục sim điện thoại loại này để tiện liên lạc với đồng bọn. Ông Thắng cho rằng chính sự thiếu hợp tác của các nhà mạng trong việc quản sim rác đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phá án của lực lượng công an.
Qua đó để thấy không chỉ gửi tin nhắn rác, quảng cáo làm phiền khách hàng mà sim rác thực sự là một vấn nạn, nguy hiểm, gây ra những hậu quả khủng khiếp.
Các nhà mạng bị lợi nhuận làm mờ mắt?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn nạn sim rác, một cán bộ của Bộ TTTT thừa nhận mặc dù đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn không xóa sổ được sim rác. Mặc cho các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, các nhà mạng vẫn chạy theo doanh số, lợi nhuận mà “lờ” đi việc quản lý khâu đăng ký thông tin của khách hàng mua sim.
Kết quả thanh tra của Bộ TTTT năm 2013 cho thấy, hầu hết các nhà mạng trong đó có cả 3 “ông lớn” là Viettel, Vinaphone, MobiFone đều phát hiện vi phạm về đăng ký thông tin khách hàng trả trước, tạo điều kiện cho sim rác hoạt động như thông tin thuê bao không có ảnh chứng minh nhân dân (CMND), một số CMND có nhiều tên khác nhau, một sinh viên đăng ký hàng loạt sim thuê bao sinh viên…Thậm chí, Viettel còn chấp nhận giấy tờ không phải CMND hoặc CMND đã hết hạn để đăng ký thông tin, rất nhiều thuê bao di động trả trước có thông tin hoàn toàn giống nhau, do cùng một tài khoản đăng ký và kích hoạt cùng một ngày. Trong khi đó, nhà mạng MobiFone vẫn cung cấp dịch vụ cho nhiều thuê bao họ tên không có thực, sử dụng những từ phản cảm, tục tĩu để đăng ký dịch vụ…
“Thanh tra Bộ phát hiện rất nhiều vi phạm của các nhà mạng, những vi phạm này đều bị xử phạt. Chỉ tính riêng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng trong năm 2013, tổng số tiền phạt là gần 2 tỷ đồng, tịch thu 34.667 thuê bao vi phạm…Tuy nhiên thực tế, lợi nhuận các nhà mạng thu về từ sim rác quá lớn trong khi mức xử phạt thấp nên nhà mạng vẫn bất chấp quy định mà “lờ” đi việc quản lý khâu đăng ký thông tin”, vị cán bộ này cho hay.
Nguyên Đan