Vụ sáp nhập giữa 2 Ngân hàng TMCP Đại Á Bank (DaiABank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) đang được dư luận, đặc biệt giới hoạt động ngân hàng rất quan tâm. Đây là trường hợp thứ hai tiến hành sáp nhập sau khi Habubank sáp nhập vào SHB năm ngoái. Trong khi đó, TrustBank và TienPhong Bank tự tái cơ cấu theo hướng có nhà đầu tư mới (Thiên Thanh và DOJI) tham gia. Western Bank cũng vừa hoàn tất việc hợp nhất với PVFC. 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất cũng tiến hành hợp nhất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trước đó.
Tuy nhiên, vụ sáp nhập giữa DaiABank và HDBank được coi là vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên giữa các ngân hàng không thuộc diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu.
Theo nội dung tờ trình được DaiABank đưa ra, ngân hàng sau sáp nhập giữa DaiABank vào HDBank được lấy tên của bên nhận sáp nhập là Ngân hàng HDBank, có trụ sở tại 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
|
Vụ sáp nhập giữa DaiABank và HDBank hứa hẹn nhiều tín hiệu tốt cho êệ thống ngân hàng. Ảnh: Internet. |
Sau khi sáp nhập giữ nguyên vị trí lãnh đạo của HDBank trước kia. Cụ thể, HĐQT vẫn là 7 thành viên được bầu trước đó và sẽ bổ sung ít nhất 2 thành viên mới tùy theo tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông. Các chức danh Ban kiểm soát, Tổng giám đốc không có gì thay đổi. Số cán bộ của HDBank sẽ tăng lên 3.600 người, theo đó nhân sự cao cấp của DaiABank sau khi sáp nhập sẽ được bố trí vào các vị trí hợp lý tại HDBank.
Ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng (tương đương tổng số cổ phần lưu hành là 810 triệu cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng; có mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước; có danh mục khách hàng với hơn 420.000 cá nhân và tổ chức kinh tế; và có tổng số nhân viên đạt trên 3.600 cán bộ nhân viên.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết: Vụ sáp nhập tự nguyện của 2 ngân hàng DaiABank và HDBank sẽ tránh được tình trạng "thù địch" trong hệ thống ngân hàng, nếu tình trạng này xảy ra sẽ phá vỡ hệ thống tài chính này. Việc sáp nhập tự nguyện đã đạt được sự "thân thiện" giữa các ngân hàng. Sự "thân thiện" này xuất phát từ sự đồng thuận về chiến lược kinh doanh, lợi ích kinh doanh, vốn, nhân sự... giữa 2 ngân hàng.
Quá trình sáp nhập thành công sẽ làm tăng sức mạnh của ngân hàng lên gấp 3, ở đây 1+1 không chỉ bằng 2 nữa mà 1+1 đã thành 3. Tức là, quá trình sáp nhập tự nguyện sẽ làm tăng sức mạnh của ngân hàng mới, khiến ngân hàng này trở nên lớn mạnh và có một tương lai phát triển "sáng" hơn. Nếu đây là vụ sáp nhập bắt buộc thì vấn đề nảy sinh có thể sẽ là sự yếu kém của một ngân hàng mới, ở đây 1+1 chỉ bằng 1,5. Và nếu là sáp nhập bắt buộc thì đó là cả một quá trình chạy đua và phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của thì mới có thể dẫn tới thành công được.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng với bất kỳ cuộc sáp nhập nào cũng ẩn chứa vô vàn khó khăn trên mọi mặt, mọi bình diện vì bản thân quá trình sáp nhập đã là khó khăn rồi. Bởi lẽ, nếu không có một kế hoạch sáp nhập cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ thì quá trình này không thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả được. Sau khi sáp nhập, những khó khăn về hệ thống quản lý, hệ thống công nghệ điện tử, nợ xấu, nhân sự, văn hóa... sẽ là những trở ngại rất lớn trong quá trình hoạt động của ngân hàng mới. Đặc biệt, vấn đề hòa hợp văn hóa giữa các công ty luôn là vấn đề đau đầu của bộ máy lãnh đạo. Bởi lẽ, mỗi công ty đều có một văn hóa công ty riêng, để hòa đồng giữa 2 văn hóa công ty là điều khó hơn cả. Để giải quyết những khó khăn này phải mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền của.
Hơn nữa, trước khi sáp nhập, mỗi ngân hàng đều có những khó khăn riêng, việc sáp nhập giữa 2 ngân hàng sẽ là phép cộng của những khó khăn đó. Theo những số liệu công bố, trên thế giới 60% nhà kinh doanh đều có ý muốn sáp nhập. Nhưng lại có tới 70% vụ "ly hôn" sau sáp nhập, trong đó bao gồm cả những vụ sáp nhập tự nguyện. Nói như thế để thấy rằng, sáp nhập xong chưa phải đã là một việc làm ổn thỏa, điều quan trọng là phải biết tạo ra sự tương đồng, hợp nhất một cách hoàn chỉnh trên mọi bình diện của doanh nghiệp mới được sáp nhập.
Đối với hệ thống ngân hàng nước ta, vụ sáp nhập giữa DaiABank và HDBank mang lại rất nhiều lợi ích. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, vụ sáp nhập tự nguyện này nằm trong ý đồ của hệ thống ngân hàng và tiến tới đạt được lộ trình của hệ thống ngân hàng thế giới. Vụ sáp nhập thành công sẽ sắp xếp lại số lượng các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng và ngân hàng nói chung. Đây là cách để các ngân hàng tăng quy mô của mình lên nhanh nhất. Khi ngân hàng mới đủ mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc, tái cơ cấu, tái nhân sự, tái vốn, tái công nghệ, hút sự tham gia của các cổ đông mới.
Nhưng ngược lại, nếu ngân hàng mới hoạt động yếu kém, không hiệu quả thì hậu quả dẫn đến sẽ rất lớn, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn và nợ xấu là vấn đề đáng bàn.
Hải Sơn