Quỹ lương “khủng” của BIDV gây xôn xao dư luận

Google News

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đồng loạt giảm lương, nhà đầu tư choáng váng khi đọc số liệu báo cáo quỹ lương của BIDV 6 tháng đầu năm 2013.


Quỹ lương BIDV tăng hơn… 500%?
Thời gian gần đây, giới truyền thông liên tục đề cập tới việc các ngân hàng đồng loạt giảm lương. Mới nhất, ACB công bố chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng mẹ giảm 550 nhân sự và giảm mạnh lương.
Cụ thể, trung bình, lương và phụ cấp của nhân viên ACB trong 6 tháng qua đạt 64,4 triệu đồng/người, tương ứng 10,73 triệu đồng/người/tháng; giảm 26% so với mức 14,56 triệu đồng/người/tháng cùng kỳ năm ngoái.
Ở ngân hàng khác, thậm chí, có nhân viên tiết lộ chỉ nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng, không bằng lương osin. Để cải thiện đời sống, nhiều nhân viên ngân hàng phải tìm việc làm thêm.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư giật mình khi đọc báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, chi phí dành cho nhân viên của ngân hàng mẹ “kỳ này” là 1.725,27 tỷ đồng. Trong khi con số này “kỳ trước” chỉ là 281,76 tỷ đồng.
Điều đó có nghĩa, chi phí dành cho nhân viên “kỳ này” của BIDV đã tăng 1.443,51 tỷ đồng, tương ứng 512,3% so với “kỳ trước”. Khi nền kinh tế đang ở thời kỳ đỉnh cao, quỹ lương tăng 5 lần đã được xem là kỳ tích. Kỳ tích này trở nên vô lý trong bối cảnh nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Nhà đầu tư hiểu lầm quỹ lương BIDV tăng gấp 5 lần
 
Chị Nguyễn Thu Hà, một nhà đầu tư chứng khoán thắc mắc: “Tôi không tin quỹ lương của bất cứ doanh nghiệp nào có thể tăng tới hơn 5 lần như vậy. Nhưng tôi cũng không hiểu lý do tại sao. BIDV là doanh nghiệp lớn nên không có chuyện ngân hàng này báo cáo láo được”.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bộ phận quan hệ nhà đầu tư của BIDV đã có lý giải cho các con số tưởng chừng như rất vô lý này. Theo BIDV, sở dĩ có sự hiểu lầm này là do nhà đầu tư không đọc kĩ báo cáo tài chính.
Ở phần đầu, báo cáo tài chính đã chú thích rõ “kỳ này” là lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, còn “kỳ trước” chỉ tính từ 1/5/2012 tới 30/6/2013. BIDV báo cáo như vậy vì BIDV chính thức cổ phần hóa từ tháng 4/2012. Trước đó, BIDV là doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước và cổ phần có chế độ kế toán khác nhau.
Một chuyên gia chứng khoán cũng đưa ra lý giải tương tự và khẳng định báo cáo tài chính của BIDV như vậy là đúng, không có gì khuất tất. Nhà đầu tư dễ hiểu lầm vì nhà đầu tư đã quá quen với các báo cáo tài chính thông thường của các công ty niêm yết nhiều năm.
Như vậy, quỹ lương “kỳ này” 1.725,27 tỷ đồng là dành cho 6 tháng đầu năm 2013, tương ứng 287,55 tỷ đồng/tháng. Quỹ lương “kỳ trước” 281,76 tỷ đồng dành cho 2 tháng năm 2012, tương ứng 140,88 tỷ đồng/tháng.
Có thể thấy, quỹ lương của BIDV vẫn tăng rất mạnh, tăng hơn 100%. Tuy nhiên, BIDV chưa công bố số lượng nhân viên trong kỳ nên chưa thể tính được thu nhập bình quân của mỗi nhân viên trong tháng đạt bao nhiêu và tăng giảm thế nào.
BIDV lại lãi ngàn tỷ
Sau GAS, Vinamilk, FPT,.. BIDV là ông lớn tiếp theo ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp lãi ngàn tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV, quý 2/2013, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế 860,29 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.006,11 tỷ đồng.
Mua bán chứng khoán đầu tư là hoạt động duy nhất khiến BIDV lỗ trong quý 2. Hoạt động này khiến BIDV âm 27 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, mua bán chứng khoán đầu tư khiến BIDV lỗ 23 tỷ đồng.
Ngoài mua bán chứng khoán đầu tư, tất cả các hoạt động khác đều mang lại lợi nhuận cho BIDV. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 700 tỷ đồng; Hoạt động khác 255 tỷ đồng và thu nhập góp vốn, mua cổ phần là 101 tỷ đồng.
Trong kỳ, thị trường ngoại hối biến động khá mạnh nhưng kinh doanh ngoại hối vẫn thu về cho BIDV tiền lãi 14,2 tỷ đồng trong quý 2 và 54,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.
Huy động vốn tại BIDV có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tín dụng. Tính tới ngày 30/6/2013, giá trị tiền gửi khách hàng của BIDV là 335.449 tỷ đồng, tăng 10,69% sau 6 tháng. Trong khi đó, tín dụng đạt 337.824 tỷ đồng, tăng trưởng 7,53%.
Tại thời điểm 30/6, BIDV có tổng tài sản 521.540 tỷ đồng, tăng 36.756 tỷ hay 7,6% so với cuối năm 2012.
Theo VTC