Phòng chống rửa tiền: Việt Nam bị đưa vào danh sách xám

Google News

Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) dẫn số liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ và Chainalysis… cho thấy, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Phong chong rua tien: Viet Nam bi dua vao danh sach xam
 Các chuyên gia thảo luận về phòng chống rửa tiền.
Thiếu hụt về hành lang quản lý
Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn Binance.com, với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.
Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027. Hiện thị trường tiền mã hoá Việt Nam tính đến tháng 12/2022 đã có hơn 200 dự án blockchain hoạt động.
Theo các chuyên gia, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...
Thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.
Đáng chú ý, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường chống rửa tiền (AML). Đây là danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền.
Vì vậy, có thể nói tăng cường chống rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cần sớm luật hóa
Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên Hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể bằng từ 2-5% GDP thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD và đây là một ước tính thấp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, luật phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Tuy nhiên, những năm gần đây tiền mã hoá đã được một số quốc gia chấp nhận để thanh toán dẫn đến nguy cơ rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.
Đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã khởi động dự án Chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer. ChainTracer là cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, và trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain.
Mục đích của ChainTracer nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain.
Tuy nhiên, để hoạt động phòng chống rửa tiền có hiệu quả, theo ông Trung, các khái niệm được quốc tế và Việt Nam công nhận là VA (Virtual Asset – tài sản ảo) và VASP (Virtual Asset Service Provider – Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo) sẽ sớm được Việt Nam luật hóa và đưa vào thực thi.
Tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bên để tập trung làm rõ tiền mã hoá là gì? Quy định pháp luật về loại tiền này như thế nào? Nước ta chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch, vậy phòng chống rửa tiền như thế nào đối với loại tiền này? Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi rửa tiền? Các tổ chức tín dụng cần những chuẩn bị về nhân sự và trang bị kiến thức pháp luật nào để phòng, chống rửa tiền có hiệu quả khi phải đối mặt với tội phạm mới này?
Theo các chuyên gia, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào Luật Phòng, chống rửa tiền.

 

PV