Phía sau những ưu đãi của nhà máy lọc dầu Dung Quất

Google News

Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước trợ giá cho nhà đầu tư thay vì người tiêu dùng.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, vấn đề ưu đãi đầu tư cho hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và hiện cơ chế này đã được thông qua để đảm bảo các nhà máy lọc dầu hoạt động có hiệu quả.

Trợ giá cho nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thiệu, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, công nhận việc ưu đãi cho đầu tư phát triển một ngành, nhất là ngành hóa dầu, thường phải cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, ông Thiệu cũng nhấn mạnh với việc cho các nhà máy lọc dầu được cộng thêm thuế vào giá bán, dù có thời hạn, nhưng nó có nghĩa Nhà nước đã phải... trợ giá cho nhà đầu tư, thay vì trợ giá hoặc ưu tiên giá rẻ cho người tiêu dùng.

Vận hành thiết bị phục vụ sản xuất xăng dầu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) .
Vận hành thiết bị phục vụ sản xuất xăng dầu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) .

Thông thường nếu sản xuất trong nước mà đắt hơn đi nhập khẩu, người ta sẽ không làm mà tập trung vào làm mặt hàng có lợi thế hơn. Tại Việt Nam, chắc chắn khi làm nhà máy lọc dầu, ai cũng mong sẽ tạo ra mặt hàng xăng dầu rẻ hơn nhập khẩu do sử dụng lao động trong nước, chi phí trong nước, vật liệu trong nước... Tuy nhiên, với việc được cộng 7% thuế nhập khẩu vào giá xăng dầu, ông Thiệu cho rằng trước mắt mục tiêu tạo hiệu quả, có lãi cao hơn cho các nhà máy đã được đặt cao hơn. Và mục tiêu lấy giá dầu Dung Quất bình ổn khi giá thế giới lên cao là cực khó.

Với việc cho cộng 3-7% thuế vào các mặt hàng từ các nhà máy lọc dầu, ông Thiệu tính toán mỗi năm các nhà máy sẽ được lợi cả ngàn tỉ đồng. Ông Thiệu cho rằng cần tính toán lại các ưu đãi, bởi không nên để giá bán xăng dầu theo thị trường nhưng giá cho các nhà máy lọc dầu lại không thị trường.


Nên công khai minh bạch

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - trưởng Ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và cũng nhiều nơi từng ưu đãi vượt trần quy định. Tuy nhiên, khu Dung Quất nằm hoàn toàn trong vùng khó khăn nên có thể được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất. Việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu cũng đòi hỏi phải có những ưu đãi đặc thù, nếu không với lãi suất như hiện nay rất khó để nhà đầu tư bỏ hàng tỉ USD vào.

Nhưng theo bà Tuệ Anh, cách ưu đãi nên để một thời gian ngắn, chứ không nên dài tới 10 năm. Sau đó tùy khả năng đáp ứng của các nhà máy lọc dầu với yêu cầu phát triển công nghiệp hóa dầu mà gia hạn ưu đãi.

Cũng theo bà Tuệ Anh, để tránh các nhà đầu tư ai cũng xin ưu đãi và không biết khả năng mình có thể xin ưu đãi đến đâu, liệu có bằng hoặc hơn người đi trước không, Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chí để nhận được các ưu đãi đặc thù. Và nhà đầu tư cũng nên được biết “trần” ưu đãi, tránh cơ chế xin cho. Bà Tuệ Anh nhấn mạnh mấu chốt cần lưu tâm là cần công khai minh bạch tiêu chí, cơ chế để mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận, hưởng các ưu đãi của Nhà nước.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

[links()]