Khai trương trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Hà Nội) với số vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD, diện tích 120.000 m2, nhiều người tò mò “ông lớn” Nhật Bản đứng đằng sau dự án khủng này giàu có cỡ nào?
|
Aeon Mall Long Biên (Hà Nội) của tập đoàn Aeon Nhật Bản vừa khai trương. |
Aeon Mall Long Biên thuộc tập đoàn Aeon Nhật Bản - một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Đây cũng là thương hiệu nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật, khởi đầu từ một cửa hiệu chuyên cung cấp các chất liệu, phụ kiện may kimono ở Yokkaichi do ông Sozaemon Okada điều hành năm 1758, Aeon Mall trở thành cái tên khiến nhiều người phải kiêng nể khi có tới 16.498 trung tâm cửa hàng tại xứ sở mặt trời mọc và các quốc gia trên thế giới. Trung tâm mua sắm của Aeon kinh doanh tới 90% hàng hóa nội địa, phần còn lại là hàng hóa của Nhật Bản và các nước khác. Doanh thu năm 2012 của tập đoàn là 60 tỷ USD, lợi nhuận 2 tỷ USD.
|
Aeon Mall Phnom Penh (Campuchia). |
Hàng loạt trung tâm thương mại, mua sắm “khủng” của thương hiệu này đã xuất hiện trước tại Indonesia, Campuchia, Trung Quốc… Việt Nam là quốc gia thứ 3 của khu vực xuất hiện mô hình mua sắm Aeon Mall quy mô lớn. Trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, Aeon đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop.
Năm 2011, Aeon Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh với số vốn điều lệ trên 192 triệu USD, quy mô 550 nhân viên (tính đến năm 2013). Cái tên Aeon chính thức rầm rộ trên truyền thông khi tập đoàn này mạnh tay đầu tư trung tâm mua sắm Aeon – Tân Phú Celadon tại TP Hồ Chí Minh, với mức đầu tư 109 triệu USD và trung tâm mua sắm Aeon – Bình Dương Canary tại Bình Dương. Trong đó, Aeon Tân Phú cao 3 tầng, với diện tích mặt bằng bán lẻ khoảng 50.000 m2, bao gồm khu bách hóa tổng hợp GMS của Aeon và khoảng 120 gian hàng cho thuê. 10 ngày kể từ khi khai trương, Aeon Mall Tân Phú Celadon đã đón nhận hơn 30.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm trong những ngày thường và hơn 70.000 lượt vào dịp cuối tuần.
|
Bên trong trung tâm thương mại Aeon Mall Tân Phú (TP HCM). |
Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary được đầu tư xây dựng với kinh phí 95 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích đất 6,2 ha với tổng diện tích sàn 70.000 m2.
Cũng trong năm 2014, các phương tiện truyền thông cũng “nóng” đề tài về Aeon khi tập đoàn khi bắt tay với hai thương hiệu bán lẻ lớn ở Việt Nam là Citimart và Fivimart.
Theo kế hoạch hợp tác, Aeon Mall dự kiến giúp Citimart thay đổi toàn bộ hệ thống, phương pháp điều hành, cho ra đời thương hiệu mới có tên "AeonCitimart". Không chỉ hợp tác với Citimart ở khu vực miền Nam, Aeon hợp tác với hệ thống khoảng 15 siêu thị Fivimart ở phía Bắc, đưa thương hiệu này "phủ sóng" khắp các thành phố lớn.
Đây là một trong những bước đầu của "đại gia Nhật Bản" nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư đầy tham vọng. Aeon Nhật Bản dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn, đưa doanh thu tại Việt Nam lên tới 18.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, việc gia nhập vào thị trường Việt, Aeon Nhật Bản cũng vướng phải sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt tên tuổi lớn như Metro, Co.opmart, "đại gia" bán lẻ thế giới như Lotte (Hàn Quốc), Big C (Pháp)... Nếu không có sự linh hoạt, ứng biến với sự thay đổi của thị trường và khả năng cạnh tranh của đối thủ, Aeon Nhật Bản sẽ khó hiện thực hóa kế hoạch tham vọng của mình.
Ngọc Linh (tổng hợp)