Thương vụ mua bán, chuyển nhượng thương hiệu Phở 24h đã diễn ra từ 2 năm trước. Từ khoảng cuối năm 2011, thông tin Công ty Việt Thái Quốc Tế (VTI), đơn vị sở hữu Highlands Coffee mua lại 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quý Trung đã khiến dư luận xôn xao. Ngay sau khi mua lại Phở 24, VTI lại lập tức bán 50% cổ phần cho Tập đoàn Jollibee (Philippines) với giá 25 triệu USD. Chính vì vậy, đến thời điểm này, Phở 24 có đến 2 ông chủ đồng sở hữu, cả VTI và JolliBee đều là những doanh nghiệp đình đám trên thương trường.
Sự lớn mạnh của VTI
Công ty Việt Thái Quốc Tế được thành lập năm 2002 do ông David Thái làm chủ. Ban đầu, VTI chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội và TP.HCM, sau đó phát triển gần 100 cửa hàng trên 6 tỉnh thành.
David Thái sinh năm 1972 tại miền Nam Việt Nam trong gia đình gốc Bắc. Năm 1978, David Thái cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại Seattle, Mỹ. Tại đây, được chứng kiến hàng loạt những dự án kinh doanh cùng với sự lớn mạnh của hãng cà phê Starbucks đã thôi thúc David Thái trở về Việt Nam phát triển ngành hàng cà phê.
Bước sang tuổi 24, năm 1996, David Thái về Hà Nội, quản lý quán cà phê đầu tiên "Âu Lạc" tại hồ Hoàn Kiếm, trong thời gian này, ông theo học một năm về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
|
David Thái, ông chủ mới của Phở 24. Ảnh: Internet
|
Đến năm 1998, ông là Việt Kiều đầu tiên đăng ký thành lập công ty tư nhân tại Việt nam sau đó công ty tư nhân này đăng ký hoạt động dưới hình thức một công ty cổ phần với mục tiêu có cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán một ngày không xa, đồng thời tung ra sản phẩm cà phê rang xay đóng gói thương hiệu "Highlands Coffee" thông qua các khách sạn cao cấp và hệ thống siêu thị.
Năm 2002, quán cà phê Highlands Coffee đầu tiên tại TP HCM được khai trương tại toà nhà Metropolitan, đối diện nhà Thờ Ðức Bà. Một tuần sau đó, quán cà phê đầu tiên tại Hà Nội cũng ra đời đánh dấu những bước phát triển không ngừng của VPI.
Đến năm 2007 thì VPI đã sở hữu tới hàng trăm quán Highlands Coffee trên khắp Việt Nam.
Hiện, VTI được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, thống lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam. Ngoài chuỗi quán cà phê Highlands Coffee, VPI còn phát triển hệ thống cửa hàng Nike đang không ngừng gia tăng về số lượng. Cơ cấu công ty được xây dựng theo mô hình bao gồm hai nhóm bán lẻ và một nhóm dịch vụ cùng hỗ trợ cho sự phát triển chung.
Tập đoàn JolliBee
Đồng sở hữu Phở 24 với VTI là Tập đoàn JolliBee đến từ Philippines, doanh nghiệp đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 50% cổ phần của VTI.
JolliBee được biết đến là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh trên thế giới, có thể sánh ngang với những cái tên đình đám như McDonald's, KFC, Pizza Huts,...
|
Tony Tan Caktion, ông chủ mới của Phở 24 là một trong những người giàu nhất Philippines. Ảnh:Business.vn
|
Người sáng lập và điều hành JolliBee có thành công vang dội như ngày nay là ông Tony Tan Caktion. Ở Philippines, cái tên Tony Tan Caktion được coi là một huyền thoại sống về tài kinh doanh. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, Tony Tan từ một ông chủ cửa hàng bán kem đã vươn lên trở thành một tỷ phú với hơn 2.500 cửa hàng đồ ăn nhanh ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Tony Tan Caktion sinh năm 1947, là con thứ ba trong gia đình bảy anh em. Bố mẹ ông là người gốc Hoa di cư sang Phillipines với mong muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Bố Tony Tan nhờ tài nấu ăn của mình đã nuôi sống cả gia đình và kiếm đủ tiền cho ông theo học đại học ở Manila.
Năm 1975, Tony Tan Caktion đã thuyết phục được gia đình đem hầu hết tiền tiết kiệm mua nhượng quyền lại hai cửa hàng bán kem. Công việc kinh doanh của ông diễn ra khá thuận lợi. Với tài quan sát tinh tế, Tony nhận ra nhiều người đến quán kem của ông còn có nhu cầu với các loại đồ ăn khác như gà rán, hamburger hay sandwich, và ông đã kết hợp bán cả những mặt hàng này trong cửa hàng của mình
Đến năm 1978, sau khi có trong tay 6 cửa hàng kem, Tony Tan chính thức cho ra đời thương hiệu JolliBee với biểu tượng là sự kết hợp giữa một nhân vật hoạt hình của Disney và hình ảnh chú ong chăm chỉ. Bản thân Tony Tan Caktion cũng không thể ngờ rằng hai mươi năm sau, cái tên JolliBee có thể giúp ông kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ kinh doanh nhượng quyền
Năm 2004, Tony Tan Caktion được tập đoàn tư vấn Ernst & Young bình chọn là doanh nghiệp thành công nhất thế giới. Với tổng tài sản hiện nay ước tính đạt 1,25 tỉ USD, Tony Tan Caktion hiện là một trong những người giàu nhất Philippines
Tại thị trường Phillipines, JolliBee đã dễ dàng giành chiến thắng trước tập đoàn hùng mạnh như McDonald’s. Bên ngoài Phillipines, Trung Quốc, Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông là các thị trường quan trọng của tập đoàn này.
Tại Việt Nam, JolliBee đã xuất hiện từ khá sớm. Cửa hàng đầu tiên được JolliBee mở tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1996. Vài năm trở lại đây, thương hiệu này mới bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, JolliBee có khoảng 30 cửa hàng tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, đặc biệt là Tp Hồ Chí Minh
Tại Hà Nội, JolliBee vẫn chưa thực sự hiện diện khi chỉ có 2 cửa hàng ở Hà Đông. Nếu so với số lượng các cửa hàng của KFC (130 cửa hàng), Lotteria (133 cửa hàng) thì vẫn còn khá khiêm tốn
BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
N.B (Tổng hợp)