Tháng 11/2015, nhiều người tiêu dùng ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã phát hoảng, tố mì Kokomi tôm chua cay của Công ty Masan có sinh vật lạ, trông giống giun sán.
|
Người dân ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) tố có "sinh vật lạ" trong bát mì Kokomi tôm chua cay của Masan. |
Mặc dù kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá số 158/2015 và báo cáo số 343/BC-ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16/11/2015 cho thấy sản phẩm mì Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ như thông tin trên, nhưng sự việc đã khiến nhiều người lo lắng về sản phẩm của ông lớn Masan.
Đây không phải lần đầu Masan vướng vào những vụ lùm xùm tai tiếng.
Masan bị tố quảng cáo sản phẩm mì quá lố
Việc quảng cáo không đúng sự thật về thành phần của các loại mì là một trong những "rắc rối" mà Masan từng vướng phải. Luôn quảng cáo chiếm thời lượng đáng kể trên sóng truyền hình trong những khung giờ vàng, song nhiều quảng cáo của Masan lại “mất điểm” với người tiêu dùng khi hàng loạt bài viết, phân tích bóc mẽ Masan “nói láo”, quảng cáo thổi phồng.
Năm 2014, mì khoai tây Omachi (của công ty Masan) khẳng định mi khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mì cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương... 1%.
Như vậy, chỉ với 1% khoai tây, người tiêu dùng đặt câu hỏi, mì Omachi có gì đảm bảo để người tiêu dùng không bị nóng?
Trong đoạn quảng cáo sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua của Masan, sợi mì không phẩm màu độc hại E102. Đặc biệt, đoạn quảng cáo còn nhấn mạnh về tác động của chất E102 đến sức khỏe con người.
Trong khi sự thật thì mì Tiến Vua (loại cũ) và mỳ Omachi đều chứa E 102 và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).
|
Thành phần màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102) trên bao bì mì Tiến Vua (loại cũ). Ảnh: VTC. |
Về sự việc này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng nêu rõ, chất E102 được sử dụng đúng hàm lượng thì vẫn đảm bảo an toàn. Việc Masan quảng cáo của mì Tiến Vua không chỉ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về việc sử dụng chất E102, mà hơn thế, việc quảng cáo một đằng, nhãn mác một nẻo đã khiến người tiêu dùng thêm hoang mang khi sử dụng các sản phẩm mì gói.
Năm 2013, rất nhiều ý kiến phân tích về độ trung thực trong các quảng cáo của "ông lớn" Masan. Dù quảng cáo Chinsu “hạt nêm không bột ngọt” nhưng kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP HCM thì kết quả mới khiến nhiều người “ngã ngửa” khi Chinsu có chứa bột ngọt. Nhiều sản phẩm khác như nước mắm của hãng cũng được quảng cáo là “hảo hạng” nhưng sự thật thành phần, độ đạm của sản phẩm Masan chưa đạt theo tiêu chuẩn này.
Sản phẩm có chất tạo màu bị cấm
Năm 2014, không chỉ các sản phẩm mỳ ăn liền quảng cáo quá lố, dòng sản phẩm nước chấm của Masan cũng sử dụng chất tạo màu HT155 đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước vì có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Trong đó, các sản phẩm của Nam Ngư quảng cáo chiết xuất 100% từ cá ngừ nguyên chất, nhưng trên bao bì của chai nước mắm Nam Ngư, thành phần được ghi gồm: nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp (HT155)... Trong quảng cáo, Masan tuyệt nhiên bỏ qua chất tổng hợp HT 155.
Lợi nhuận khủng nhưng “ỉm” cổ tức
Không chỉ vướng tai tiếng về quảng cáo, đại gia Masan cũng dính lùm xùm cả về chuyện thường xuyên “quên” chia cổ tức cho cổ đông.
Trên báo VTC cho biết, ông lớn Masan có tiếng là lợi nhuận khủng, phát triển nhanh nhưng không trả cổ đông lấy một đồng trong nhiều năm. Với thành tích 4 năm liên tiếp nói không cổ tức đối với các cổ đông cho dù đến cuối 2013 lợi nhuận chưa phân phối của tập đoàn này lên tới gần 6.300 tỷ đồng và ông lớn này vẫn đều đặn nhận cổ tức khủng từ công ty con.
Ngọc Linh (tổng hợp)