Tốc độ “rùa bò”
Tại Hà Nội, tập đoàn Tân Hoàng Minh có 4 dự án là: D’. Le Pont D’or (Hoàng Cầu, Q.Đống Đa); D’.Le Roi Soleil nằm trên đường Đặng Thai Mai Quận Tây Hồ; dự án D’.San Raffles ở số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm và cuối cùng là dự án D’.Palais de Louis tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên, Quận Cầu Giấy.
|
Dự án ở Hàng Bài đang chờ xin giấy phép xây dựng
|
Tuy nhiên, dù sở hữu những vị trí đắc địa, nhưng 3/4 dự án này vẫn “án binh bất động” hoặc thực hiện với tốc độ “rùa bò”.
Đầu tiên là dự án căn hộ cao cấp D’.San Raffles, nằm cách hồ Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chưa tới 100 m, được so sánh như những tòa lâu đài ở quảng trường của châu Âu, phong cách kiến trúc tân cổ điển, tượng trang trí, phù điêu hình nổi mạ vàng ròng… Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thiện vào 2014, nhưng hiện công trình mới đang thi công cọc thử và chờ được cấp giấy phép xây dựng.
Tân Hoàng Minh cho biết, hiện dự án đã ứng tiền giải phòng mặt bằng xong, còn tiền sử dụng đất chưa phải nộp. Dự án này phải mất gần hơn 7 năm mới hoàn thành giải phóng mặt bằng kể từ khi có quyết định thu hồi đất.
|
Dự án Hoàng Cầu
|
Tiếp đến là dự án D’.Le Pont D’or ở Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Dự án này đang lùm xùm với nghi án chây ỳ hơn 142 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Theo thiết kế, D'.Le Pont D'or được xây dựng 23 tầng nổi, tương đương cao 80m, 4 tầng hầm để xe, 2 tầng sảnh công cộng và dịch vụ, 308 căn hộ, 1 bể bơi bốn mùa.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, sẽ mở bán và khai trương nhà mẫu vào tháng 9/2013, cuối năm 2015 sẽ hoàn thiện. Giá bán dự kiến sẽ từ 30-35 triệu đồng/m2.
|
Dự án Hoàng Cầu vẫn là bãi đất trống |
Tuy nhiên, đến nay, theo khảo sát của PV, dự án này vẫn trong tình trạng quây tôn xung quanh, cây dại mọc um tùm, một phần lô đất này đang trở thành bãi gửi xe khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về tiến độ đề ra của chủ dự án.
Chậm chân nhất trong số các dự án của Tân Hoàng Minh là dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp D’.LeRoi de Soleil ở số 2 đường Đặng Thai Mai, Quận Tây Hồ.
Lô đất rộng 8046m2, diện tích xây dựng công trình là 3.843m2. Theo thiết kế, công trình cao 25 tầng và 5 tầng hầm, tương đương 128,8m. Trước đây, chủ đầu tư dự kiến khởi công vào quý 2/2012, hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn dừng lại sau khi quây hàng rào, treo banner áp phích quảng cáo kín lô đất. Phía bên trong cây dại mọc um tùm.
|
Dự án Đặng Thai Mai được cho là "rùa" nhất |
Nhiều người dân ở đây cho biết, chưa hề thấy máy móc thi công ở khu đất dự án của Tân Hoàng Minh. Còn đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án này chỉ mới vừa mới xong thủ tục quy hoạch kiến trúc. Dự kiến, sẽ động thổ và khoan cọc thử trong năm nay.
Theo khảo sát của phóng viên VTC News, chỉ có duy nhất dự án D’.Palais de Louis ở số 6 Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) là đang được triển khai đúng tiến độ, hiện, đã xây xong phần thô và tiến hành cắt nóc.
Dự án này được khởi công từ tháng 12/2009, theo thiết kế, D’.Palais de Louis mang phong cách kiến trúc Pháp, cao 120m với 27 tầng nổi, 4 tầng hầm để xe, 2 tầng sảnh công cộng và dịch vụ, 242 căn hộ, 8 thang máy, 2 bể bơi bốn mùa. Diện tích các căn hộ từ 120,9 m2 đến 260,8 m2; hai căn penthouse rộng hơn 1.000 m2.
|
Dự án Nguyễn Văn Huyên hiện đang được triển khai đúng tiến độ
|
Ông Đỗ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, trong tháng 10 tới sẽ lắp đặt thang máy để phục vụ khách hàng đi thăm công trình. Bên cạnh đó, 8 căn hộ mẫu mang phong cách đế vương cũng đang được gấp rút hoàn thiện tại dự án để ra mắt khách hàng.
Giá bán căn hộ đã hoàn thiện toàn bộ từ 115-120 triệu đồng/m2; 80-85 triệu đồng/m2 cho gói hoàn thiện cơ bản; 60-65 triệu đồng/m2 dành cho khách hàng nhận bàn giao thô. Dự kiến, đến cuối 2013, công trình sẽ hoàn thiện ốp đã mặt ngoài công trình và có thể bàn giao nhà vào đầu năm 2015.
Ế hàng?
Sự chậm chạp, ì ạch trong triển khai các dự án khiến không ít khách hàng lo ngại về năng lực thực sự của Tập đoàn này. Đặc biệt, nhiều câu hỏi đặt ra khi những ngày gần đây, Tân Hoàng Minh đã phải nộp đơn lên Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xin được giãn hơn 142 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án D’.Le Pont D’or tại Hoàng Cầu, Đống Đa.
Giải thích về điều này, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ngày 9/7 vừa qua, các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho dự án D’.Le Pont D’or ở Hoàng Cầu. Đến ngày 17/7 các cơ quan trên đã làm tờ trình liên ngành lên Ủy ban nhân dân Hà Nội xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho dự án này.
Theo tờ trình, dự án D’.Le Pont D’or sẽ được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo 5 quý, mỗi quý là hơn 28,5 tỷ đồng, bắt đầu nộp quý đầu tiên từ ngày 30/7 (chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo, tương đương hạn cuối của đợt đầu là ngày 30/8).
Lý do D’.Le Pont D’or được gia hạn nộp tiền sử dụng đất được tờ trình liên ngành lý giải, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp gặp khó nên Bộ Tài chính đã có Thông tư 16 hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp được gia hạn, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Dự án D’.Le Pont D’or nằm trong số các dự án xin được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất.
Còn đại diện Tân Hoàng Minh thì khẳng định: “142 tỷ tiền sử dụng đất chúng tôi đã chuẩn bị đủ, khi có quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Cục thuế Hà Nội thông báo, chúng tôi sẽ chấp hành. Tân Hoàng Minh khẳng định dự án Hoàng Cầu đã có số vốn đủ cho đến khi hoàn thiện”.
Lời khẳng định của vị chủ đầu tư này chắc hẳn khiến cho không ít khách hàng được an lòng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn vì tại sao Tân Hoàng Minh có đủ tiền nộp thuế lại phải nộp đơn xin gia hạn?
Thông tư 16 cho phép các doanh nghiệp được giãn nộp thuế là để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều kiện được giãn nộp thuế là căn cứ xem xét cho giãn tiến độ nộp nghĩa vụ tài chính là báo tài chính đến 31/12/2012 của các doanh nghiệp không có lãi hoặc chi phí lớn hơn doanh thu, do giá trị hàng tồn kho quá lớn, hoặc chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu.
Căn cứ theo tiến độ thực hiện của các dự án của Tân Hoàng Minh có thể thấy, ngoài dự án tại Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) thì đa số các dự án còn lại đều chưa hoặc triển khai với tốc độ ì ạch, vì vậy chi phí đầu tư lớn chắc không phải là lý do chính để doanh nghiệp này được giãn nộp thuế.
Mới đây, trả lời báo về tỷ lệ bán hàng tại dự án D’.Palais de Louis ở Nguyễn Văn Huyên, ông Đỗ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phải nói lời xin lỗi vì không thể cung cấp thông tin.
“Lượng căn hộ mà chúng tôi đã bán, xin phép không tiết lộ. Dự án này hơi nhạy cảm vì giá bán hơi cao”, ông Lâm nói.
Thực tế này khác hẳn với vài năm trước, thời điểm dự án mới được chào bán, thông tin về số căn hộ bán thành công được chủ đầu tư công bố rộng rãi với báo giới.
Đặc biệt, mới đây, doanh nghiệp này cũng quyết định chia làm 3 gói sản phẩm tại dự án siêu sang này, trong đó giá căn hộ từ 60 - 65 triệu đồng/m2 là xây thô, 80 - 85 triệu đồng/m2 là căn hộ có thiết bị gắn tường và gói đầy đủ tiện nghi, nội thất có giá bán 115 - 120 triệu đồng/m2.
Điều này một lần nữa cho thấy, những hoài nghi về khách hàng thực cho dự án căn hộ siêu sang là hoàn toàn có cơ sở. Và phải chăng, trong khi thị trường đang hướng đến phân khúc bình dân, giá rẻ, thì Tân Hoàng Minh lại lội ngược dòng, thậm chí sẵn sàng chơi ngông khi đầu tư những căn hộ lên cả trăm triệu đồng/m2.
Và chính sự “chơi ngông” này đang khiến Tân Hoàng Minh gặp khó. Cụ thể, doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng làm ăn không có lãi hoặc chi phí lớn hơn doanh thu, do giá trị hàng tồn kho quá lớn, hoặc chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu?
Theo VTC