Cả làng cưa bom, nấu bom
Tại hiện trường vụ nổ khu đô thị Văn Phú (Hà Nội) ngày 19/3, các mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom, mìn cũng như những mảnh thi thể của nạn nhân xấu số được tìm thấy khiến nhiều người không khỏi rùng mình sợ hãi. Chỉ nghe tới bom thôi cũng đủ khiếp vía, vậy mà vẫn có người làm nghề cưa bom.
Đã không biết bao vụ mất mạng vì cưa “tử thần” được báo chí nhắc đến. Để thu sắt và thuốc nổ, các “thợ cưa bom” Lê Công Hóa (Khánh Hòa) và Trần Nguyễn Tấn Phúc (Vạn Ninh) mang quả đạn loại 105 ly ra trước sân để… cưa đến mức mất mạng. Hồi tháng 4/2014, Nguyễn Bảy (Quảng Ngãi) cũng tử vong do cưa đạn cối. Thậm chí trong nhà ông này còn hàng chục đầu đạn, trái pháo khác đang nằm chờ “sơ chế” trước khi bán kiếm tiền.
Những tưởng vì được coi là nghề nguy hiểm nhất nhì thế giới thì chỉ số ít nguồ dám làm nghề này, vậy mà ở Việt Nam, có nhiều nơi, cả làng nấu bom, cả xóm mà đến 90% dân số lên rừng đào tìm phế liệu chiến tranh, ngày ngày đối diện với các chết không toàn thây, liên lụy hàng xóm, tài sản vì kế mưu sinh, miếng cơm manh áo.
|
Vụ nổ kinh hoàng ở khu đô thị Văn Phú ngày 19/3. |
Thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) từ lâu đã được mệnh danh là làng cưa bom. Cưa bom, rà đạn pháo được xem là kế sinh nhai hàng đầu của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, từ khi 9 tuổi đã bỏ học sớm đi tìm phế liệu.
Người ta cũng biết đến làng nấu bom ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An qua những bài viết trên báo chí từ nhiều năm trước. Tại đây, người dân mua bom từ các cửu vạn rà bom trong rừng. Trung bình mỗi ngày có đến cả trăm tấn “hàng” đổ về đây được chủ các vựa thu mua bom phân loại theo kích thước, loại rỗng và loại còn thuốc trước khi cho vào lò nung chảy.
Một công nhân tại lò nấu bom Khối Nam, Diễn Hồng (Nghệ An) chia sẻ trong bài viết đăng trên báo Tiền Phong năm 2007: “Bom nhỏ cứ vác đút thẳng vào lò nung, còn bom lớn như bom tấn phải dung bình hàn ôxi cưa đôi mới cho lọt miệng lò. Thỉnh thoảng nếu gặp bom tịt, đang còn thuốc thợ sẽ mang ra đục hoặc cưa để lấy thuốc bán cho dân biển”.
Năm 2011, độc giả "sởn da gà" khi đọc phóng sự xóm cưa bom trên báo Đồng Nai, khi mà người dân xã Xuân tâm (Xuân Lộc) bất chấp nguy hiểm lao vào những hố bom, khu quân sự, dùng cuốc, xẻng đào bới trộm những mảnh bom, vỏ đạn còn sót từ thời chiến tranh để bán phế liệu. Người nào “gan to” thì rà tìm bom, đạn để lấy thuốc, lấy kíp nổ. Nhiều năm sau, khi nơi đây đã dần vắng bóng những thợ bom, thợ mìn, câu chuyện về những thời khắc đối diện tử thần khi rà bom mưu sinh vẫn ám ảnh nhiều người.
Sở dĩ, người dân các vùng vẫn chọn cưa bom, mua bom vì chúng mang lại nguồn thu cao hơn so với làm nghề khác. Tại Diễn Hồng (Nghệ An), hiện tại, bom "sạch", đạn "sạch" được thu mua với giá 500.000 đồng/kg, đầu đạn dạng phế liệu chỉ 5.000-7.000 đồng/kg nhưng thuốc bom, thuốc đạn bán đắt gấp 10 lần - thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay.
Vì thế, ngay trong thời bình, tại những "làng liều", "thôn cược mạng" khắp Việt Nam, đã không ít gia đình tan tác vì bom phát nổ, kẻ mang dị tật suốt đời.
|
Những vỏ đầu đạn (từ 25 - 50kg) đã được lấy hết thuốc được tập kết để bán cho các đại lý lớn hơn. Ảnh chụp tại quảng Trị đăng trong Phóng sự ảnh báo Lao động năm 2014. |
“Xử” bom bằng… cảm quan và kinh nghiệm
Tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng thứ duy nhất được các thợ buôn bom, thợ cưa bom dùng để định liệu những trái bom có phát nổ hay không chỉ là cảm quan, kinh nghiệm nhiều năm “mua bom mà vẫn sống”.
|
Nghề cưa bom cược mạng. Ảnh minh họa (nguồn ảnh: VOV) |
Nhiều lái thương chia sẻ, họ hạn chế mua các loại bom có vỏ còn mới, nguyên thuốc hoặc đầu nổ. Các loại bom đã cũ, vỏ hoen gỉ "có vẻ" an toàn sẽ được chọn mua. Bảo toàn tính mạng và lời lãi cao hơn, các chủ vựa phế liệu chỉ thu mua vỏ bom thay vì chọn bom nguyên quả.
Đáng sợ nhất là khi các thợ bom trực tiếp “thực địa” rà tìm bom, đạn pháo ngoài rừng. Dân Tân Hiệp (Cam Lộ) truyền nhau khi tháo lựu đạn, chỉ cần mở chốt, rồi nhanh tay dùng kim băng, sợi thép cài lại. Tính vòng xoay là cách “xử” một số loại bom để chúng không phát nổ. Nếu dùng cưa không “xử” được vỏ bom, thì các thợ bom ở Diễn Hồng, Cam Tuyền… dùng búa, dùng dùi đục bằng được để lấy sắt vụn, thuốc súng.
Mặc dù vì miếng cơm manh áo, song nếu nhìn nhận hậu quả của nhiều vụ nổ và cái chết không đáng của những nạn nhân xấu số, thì đây là một lời cảnh báo cho những ai đang đùa với "tử thần" bom mìn.
Theo thống kê, chưa đầy đủ của Bộ Quốc phòng, mỗi năm nước ta có trên dưới 2000 người bị thương và tử vong do bom mìn. Tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hiện vẫn còn 6,6 triệu ha bị ô nhiễm bom mìn với khoảng 800.000 tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Ngọc Linh (tổng hợp)