Bà Elizabete Fong, người được mệnh danh là “người đàn bà thép” đã có thời gian dài "chèo lái" mạng di động Vietnamobile giờ đây đã quay trở lại để tiếp tục “chèo lái” nhà mạng này nhưng với một mô hình mới là công ty cổ phần chứ không phải mô hình BCC như trước đây.
|
Bà Elizabete Fong - người được mệnh danh là “người đàn bà thép”. |
Tập đoàn Hutchison đã quyết định đưa bà Elizabete Fong - người đã có thời gian dài lại “chèo lái” Vietnamobile giờ đây đã quay trở lại Việt Nam để tiếp tục điều hành thị trường này. Bà Elizabete Fong là người đã gắn bó với Vietnamobile từ những ngày đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Bà Fong là người lãnh đạo nữ duy nhất nắm quyền điều hành một mạng di động tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Nếu so với các mạng di động quốc doanh hiện giờ, Vietnamobile được cho là nhà mạng có kiểu vận hành tối ưu nhất. Vietnamobile cũng được đánh giá là nhà mạng sáng tạo với nhiều gói cước, nhiều chương trình khuyến mãi khác biệt so với 3 nhà mạng quốc doanh. Tuy nhiên, Vietnamobile gặp phải thế khó là mạng ra sau, khó khăn về vùng phủ sóng và chỉ còn có 1/2 băng tần 3G sau khi EVN Telecom “chuyển khẩu” sang Viettel.
“Ở một thị trường di động cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam, để trụ lại và thành công là cả một chặng đường nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi một ngày ở Vietnamobile là một ngày "chinh chiến" để sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và chất lượng mạng nhằm chiếm được trái tim khách hàng. Văn hóa Hutchison cũng rèn giũa cho chúng tôi tham vọng phải thành công trong kinh doanh. Chính sự không ngừng vận động và tham vọng chinh phục những đỉnh cao mới là động lực khiến đội ngũ Vietnamobile luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự sáng tạo và ý chí sắt đá”, bà Fong nói.
Hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Hanoi Telecom và Hutchison thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile. Theo đó, thành lập công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile gồm 3 cổ đông: Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội, góp 50% vốn điều lệ; Hutchison Telecommunications (Vietnam) S.A.R.L, góp 49% vốn điều lệ; bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom góp 1% vốn điều lệ.
Tổng vốn đầu tư điều chỉnh là 1,248 tỷ USD. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo quyết định này của Thủ tưởng thì tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile không quá 49% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile được xử lý tài chính và chuyển lỗ của các bên liên doanh liên quan đến Hợp đồng BCC khi chuyển thành công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nợ nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến đầu tư thực hiện Hợp đồng BCC. Các khoản nợ phải đảm bảo có đủ hóa đơn, chứng từ, biên bản xác nhận nghĩa vụ nợ các bên có liên quan; không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với tài sản góp vốn khi chuyển đổi từ Hợp đồng BCC thành công ty cổ phần.
Khi chuyển từ Hợp đồng BCC thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, kế thừa cam kết chuyển giao tài sản không bồi hoàn cho cổ đông nhà nước trong Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội theo quy định. Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chuyển giao tài sản không bồi hoàn của Dự án đầu tư Hợp đồng BCC. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý cụ thể theo quy định bảo đảm lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của Nhà đầu tư, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo IctNews