Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
|
Ảnh minh hoạ. |
Theo đó tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN công bố hàng ngày là cơ sở để các ngân hàng xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ.
Việc NHNN quyết định áp dụng cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm xuất phát từ việc thị trường tiền tệ có nhiều diễn biến khó lường, trong đó đặc biệt là việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đột ngột, khiến NHNN đã phải bỏ cách điều chỉnh không quá 2%/năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính cuối năm ảnh hưởng từ thị trường thế giới, quyết định tăng lãi suất của FED... cũng là nguyên nhân khiến NHNN đã thay đổi chiến lược bằng cách điều chỉnh lên xuống hằng ngày. Trước nay, việc quyết định tỷ giá dựa vào vào việc xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động (hiện tại cho phép tối đa 3%).
Theo NHNN, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được NHNN thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với việc công bố tỷ giá trung tâm, NHNN khẳng định sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Theo Hoàng Long/Một thế giới