Khởi hành lúc 7h40 ngày 10/9 từ Nội Bài, chuyến bay VN1233 của hãng Hàng không Vietnam Airlines bất ngờ phải vòng lại điểm xuất phát.
Trao đổi với báo chí, đại diện hãng này cho hay, máy bay phải quay vòng về Nội Bài bởi có cảnh báo lỗi. Theo đó, khi đang cầm lái chiếc Airbus A321, phi công thấy hệ thống báo có lỗi ở một hệ thống thủy lực trên tổng cộng 3 hệ thống thủy lực của máy bay.
Phi công tính toán, nếu tiếp tục đến Phú Quốc, trang thiết bị ở sân bay này không đủ để kiểm tra, khắc phục nên quyết định vòng lại nhằm đảm bảo an toàn.
|
Vietnam Airlines đã liên tiếp gặp những sự cố trong thời gian vừa qua.
|
Trước đó, ngày 6/9, do các bộ phận ở sân bay phối hợp thiếu ăn ý, hành khách của Vietnam Airlines đã phải ngồi trên máy bay gần 2 tiếng đồng hồ chờ khởi hành.
Sự việc xảy ra tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) với chuyến bay VN1560 có hành trình từ Nha Trang đi Hà Nội.
Theo đó, tàu bay có lịch cất cánh dự kiến lúc 20h55 và toàn bộ hành khách đã lên tàu bay lúc 20h50. Tuy nhiên, khi kết số để bàn giao cho tổ bay, bộ phận trực phục vụ chuyến bay đã được thông báo cần sắp xếp lại và kiểm tra một số hành lý và hàng hóa.
Để đảm bảo trọng tải khai thác và an toàn cho chuyến bay, bộ phận trực tại sân bay đã xin phép cho lùi giờ cất cánh để cùng nhà chức trách, công ty phục vụ mặt đất sắp xếp lại khoang hàng.
"Tuy nhiên, do phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ phận ở sân bay gồm nhân viên của hãng, nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay, công việc chất xếp đã kéo dài hơn dự kiến, hoàn tất lúc 22h10", tin từ hãng cho biết. Sau đó, chuyến bay cất cánh lúc 22h30, chậm gần 2 tiếng đồng hồ so với lịch trình.
Trước đó, ngày 21/6, chuyến bay VN277 có giờ dự kiến xuất phát tại sân bay Nội Bài lúc 21h30p, cất cánh thực tế lúc 21h50p, bị chậm 20 phút. Nguyên nhân do chuyến bay VN261 (ETD 19:25) không cất cánh theo kế hoạch vì lý do kỹ thuật, bộ phận trực điều hành đã chuyển khách sang 2 chuyến bay VN277 (ETD 21:30) và VN279 (ETD 21:55).
Cũng theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đang đứng đầu danh sách số lượng chậm chuyến với 33/266 chuyến bay.
Ngày 30/7, có 430 chuyến bay của các hãng hàng không. Theo đó, Vietnam Airlines có 266 chuyến bay, chậm 33 chuyến chiếm tỷ lệ 12,41%. Cũng trong ngày 30/7, có 11 chuyến bị hủy: Vietnam Airlines chiếm 8/11 chuyến và Vietjet Air 3 chuyến.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 1/9, chuyến bay VJC8667 của hãng hàng không VietJet Air khởi hành từ sân bay Nội Bài đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) theo đúng kế hoạch, trên máy bay có 185 hành khách và phi hành đoàn. Chưa đầy nửa giờ sau khi cất cánh, phi công phát hiện máy bay trục trặc hệ thống thủy lực.
Đây là hệ thống kỹ thuật rất quan trọng của máy bay, có tác động trực tiếp đến rất nhiều bộ phận khác nên phi công buộc phải xin hạ cánh khẩn cấp.
Trước tình trạng này, ngày 10/9, Bộ trưởng GTVT - Đinh La Thăng vừa có chỉ thị chấn chỉnh công tác an toàn hàng không dân dụng 8 tháng đầu năm, trong đó đánh giá các sự cố chủ yếu do lỗi con người.
Thống kê của cơ quan này cho thấy có tổng cộng 50 sự cố uy hiếp an toàn bay xảy ra trong tháng 8. Con số này tăng 3 vụ so với tháng 7 và 20 vụ so với tháng 6. Như vậy, tính chung cả 8 tháng đầu năm, ngành hàng không đã để xảy ra tổng cộng 225 sự cố, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với chỉ thị này, các hãng hàng không được yêu cầu nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ nhằm không để tái diễn các sự cố gây uy hiếp an toàn bay, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến con người để không xảy ra tai nạn hàng không.
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các hãng bay tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác, bảo dưỡng đồng thời có các giải pháp tiếp tục hạ tỷ lệ chậm hủy chuyến trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
Bộ trưởng cũng đốc thúc Cục Hàng không triển khai toàn diện việc thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn của các đơn vị; chương trình an toàn đường cất hạ cánh, kiểm tra, giám sát hệ thống này. Cục cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, vận chuyển, công tác chuẩn bị trước chuyến bay, dịch vụ phi hàng không.
Theo Đất Việt