Mỗi khi bước chân vào ngân hàng, bạn luôn được đón nhận bằng những nụ cười tươi nở trên môi của các nhân viên đầy trẻ trung và nhiệt huyết. Thế nhưng, khi ra về, bạn có khi nào ngoái đầu lại để thấy nụ cười méo xệch, những lo lắng, áp lực mà họ đang phải đối mặt?.
"Ngân hàng không phải là thiên đường cho kẻ làm thuê"
Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại một trường kinh tế ở Hà Nội, Thành Luân (quê Hà Nội) có thành tích các năm học khá tốt. Luân là người năng động, vì cậu từng tham gia nhiều hoạt động đoàn đội.
Ngay khi ra trường, Luân tự tin nộp CV vào 2 ngân hàng (NH) thương mại cổ phần khu vực phía Bắc. Cậu được cả 2 NH gọi phỏng vấn và trúng tuyển. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Luân đều bỏ việc.
Chàng trai mới ra trường lắc đầu nguây nguẩy khi nói đến NH. “Trước kia cứ bảo nhàn, sướng như nhân viên ngân hàng, thế nhưng nhưng bước chân vào mới biết NH không phải là thiên đường cho kẻ làm thuê!”.
Theo câu chuyện Luân kể, vừa mới bước chân vào nghề, phía NH đã bắt anh đạt chỉ tiêu trong vòng 3 tháng thử việc với mức lương cơ bản là 2 triệu đồng/tháng. Nhưng số tiền phải huy động là 5 tỷ đồng.
Thấy Luân có vẻ hoảng, “người hướng dẫn” bày cho cậu vài mẹo là cứ lân la ở mấy quán cà phê hoặc vào trung tâm mua sắm làm quen rồi "dụ" người ta gửi tiền vào NH. Làm cái nghề này, phải dày mặt như...những người bán hàng rong.
Bước vào đời từ trang giấy trắng trong môi trường đại học, chàng sinh viên 21 tuổi không khỏi sốc, bao nhiêu hồ hởi, nhiệt huyệt tắt lịm khi nghe lời khuyên từ tiền bối. Luân ngậm ngùi trở về nhà, vắt tay lên trán, nằm suy nghĩ suốt cả buổi chiều.
Có thể đây chỉ là thử thách, phải chứng minh nhiệt huyết, phải vượt qua khó khăn. Nghĩ vậy, sáng hôm sau, cậu sốc lại tinh thần, vực dậy, mặc quần áo và bắt tay vào hành trình thực hiện chỉ tiêu.
Thế nhưng, gần 1 tháng trôi qua, liên hệ tất cả các mối người thân, bạn bè quen biết, trong xóm ngoài làng, trên mạng xã hội, số tiền huy động được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiền xăng xe, quán xá, điện thoại… bỏ ra đã gấp mấy lần lương hỗ trợ. Không chịu nổi áp lực, mất tự tin, Luân quyết định xin nghỉ.
Cái giá phải trả khi bước chân vào nhà băng bằng "cửa sau"
Hoàng Nam cũng vừa tốt nghiệp đại học kinh tế ở Hà Nội. Hơn 2 tháng gửi CV nhiều nơi nhưng Nam vẫn không xin được chỗ nào ưng ý.
Trong khi bạn bè đi làm, thấy con trai ở nhà vất vưởng, u uất, mẹ Nam tìm hiểu thì biết, vào NH, phải nhất thân nhì quen.
Lân la người nhà hàng xóm, bà Quỳnh (mẹ Nam) hỏi được mối “xin” cho cậu vào một vị trí ở nhà băng với chi phí 400 triệu đồng. Theo lời bà Quỳnh, đây là chỗ thân quen không thì cũng phải 450-500 triệu đồng.
Theo lời “người quen” thì “đi cửa sau” sẽ vào thẳng, không qua vòng thử việc, áp lực, chỉ tiêu cũng khá nhẹ nhàng. Người này còn lấy dẫn chứng cháu cô thâm niên 7 năm mà thu nhập cũng 30 triệu đồng chưa kể thưởng, tiền ngoài.
Thế nhưng, cuộc đua chạy “cửa sau” vào nhà băng không phải dễ.
Người này có danh sách 4 NH, giá tiền "xin" vào tương đương nhau. Song họ chỉ đảm bảo xin cho Nam vào được 1 trong 4 NH trên chứ không chắc chắn một NH nào cả. Nhưng đều là chỗ quen biết nên Nam được hứa hẹn "có chỗ đẹp, tiền nhiều".
Mất thêm gần nửa năm chờ chạy chọt, cuối cùng, Nam cũng có một chân vào một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội. Nhưng ở đời, làm ơn thì mắc nợ.
Trong thời gian chờ đợi, 2 mẹ con Nam tháng nào cũng đến nhà “người quen” mua hoa quả, quà cáp để "thăm nom". Kể cả khi đã vào làm việc, nhưng cứ ngày lễ Tết, 8/3, 20/10…., 2 mẹ con lại chở nhau đến “trả nợ”; khi thì bộ ấm chén, lúc thì cân hoa quả xịn, thậm chí cả phong bì. Tính ra, cả công cán, tiền phong bì, số tiền chẳng dừng lại ở 400 triệu đồng.
Có một chỗ ổn định ở NH, song Nam cũng phải chịu không ít những áp lực về doanh thu cũng như chỉ tiêu. “Bỏ tiền vào ngân hàng, không khác gì tự mua dây buộc mình. Bước vào bằng "cửa sau" có cái giá của nó, nhưng được thì ít, mất rất nhiều”, Nam cho hay.
Có “người quen” đỡ cho việc áp chỉ tiêu, kế hoạch thì anh cũng phải đối mặt với môi trường, nhân sự, khách khứa với vô số phức tạp đeo bám. “Bạn có sẵn sàng đi hàng chục cây số để chăm sóc, thẩm định khách hàng, sẵn sàng nghe khách hàng "mắng chửi" như tát nước vào mặt mặc dù họ mới là người sai mà không dám phản ứng gì?
Bạn có sẵn sàng thức đêm thức hôm, lo lắng ngược xuôi mỗi lần Kiểm toán nội bộ xuống kiểm tra chi nhánh… Còn rất và rất nhiều những áp lực mà nhân viên ở nhà băng phải đối mặt”, Nam chia sẻ.
Đó là chưa kể với môi trường ở đâu cũng thấy cạnh tranh, người yêu quý mình thì ít, ghét thì nhiều. Đã mất tiền lại mang tiếng “đi cửa sau” nên Nam thường xuyên bắt gặp những ánh mắt không thiện cảm.
Coi như mất hơn năm trời thăm nom đi lại, 400 triệu đồng chi phí chạy vào, gần chục triệu tiền phong bì, quà cáp cho đến “mắc cái nợ cả đời” của mẹ con Nam chỉ mua được 3 tháng thử việc.
...uống thuốc giải độc gan, đau dạ dày để đạt được chỉ tiêu
Ngân hàng là một ngành có sự biến động nhân sự rất cao, từ nhân viên lên lãnh đạo. Vì thế, rất có thể “người đỡ đầu” có một ngày bỏ mình ra đi. Nguy cơ phải đối diện với một ekip lãnh đạo mới rất lớn. Chưa kể, việc trụ lại được hay không là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của chính mình.
Có công việc chính thức tại nhà băng này, Nam vẫn phải vượt chỉ tiêu, bàn kế hoạch, vẫn phải lân la cà phê, ra quán nhậu… uống thuốc giải độc gan, thuốc đau dạ dày trước khi đi tiếp khách.
Nam nghĩ “đâm lao phải theo lao”, nên phải nỗ lực hết mình để nhanh chóng hoàn vốn trả nợ mẹ. Song nghĩ cái phận đi xin, đến bây giờ, anh vẫn cay sống mũi.
Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, anh cũng thấy khá may mắn vì có một công việc ổn định, môi trường chuyên nghiệp và dạy cho anh nhiều bài học. Làm trong môi trường này, Nam mới thấu lời chị đồng nghiệp từng chia sẻ: nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, rồi mới đến trí tuệ.
Trong môi trường NH, có bố mẹ, người nhà làm trong ngành, họ cũng được hưởng nhiều các mối quan hệ trước đó, vượt chỉ tiêu dễ dàng hơn nhiều. Còn nếu có quan hệ, tiền bạc, thì áp lực công việc nhẹ nhàng hơn. Không có 2 thứ trên, bạn chỉ có trí tuệ thực sự thì phải cố gắng hết mình, thể hiện hết mình mới mong bằng họ.
Dù vậy, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu bất kỳ một nhân viên nào không hoàn thành các chỉ tiêu về huy động vốn hoặc làm thất thoát tài sản… rồi cũng đều bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Vì thế, dù bạn có đi bằng cách nào, cửa sau hay cửa trước… thì thực tế, để có một vị trí trong nhà băng, bạn vẫn phải có tài năng, sự phấn đấu, chứ không chỉ là chuyện “bỏ ra” một khoản tiền rồi ngồi ở đó mà hưởng lương.
Theo Tri thức trẻ