Liên quan đến thông tin bị tố nước mắm Chinsu, Nam Ngư có hóa chất, đặc biệt là Nam Ngư bị tố có đến 17 hóa chất bên trong, là nước mắm công nghiệp đứng đầu Việt Nam, hôm nay (12/10) Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đã chính thức lên tiếng "phản pháo" về vấn đề này.
Cụ thể, trong thông tin gửi đến báo chí, Masan khẳng định những thông tin trên là sai lệch, gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Masan, các sản phẩm nước mắm của hãng được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín trên các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu, với phòng Lab đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương theo đúng quy định của Luật An toàn Thực phẩm, được ghi nhãn rõ ràng và đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước về ghi nhãn hàng hoá.
Hiện doanh nghiệp đang sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc, với quy mô gần 500 thùng chượp có tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá. Đây là cơ sở cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chinsu và Nam Ngư.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các nhà sản xuất nước mắm cốt uy tín, ước tính khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính tại Việt Nam như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết...
|
Ảnh minh họa - nguồn Internet. |
Trước đó, ngày 10/10, báo Thanh Niên có bài "Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp" phản ánh tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất trong thành phần với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, đang chi phối thị trường.
Trong đó, Thanh Niên đưa tin nước mắm Nam Ngư được coi như “đại diện” cho nước mắm công nghiệp ngon, giá rẻ, được chuyên gia thực phẩm đếm có đến 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm gồm: chất điều vị, chất bảo quản, hương cá hồi tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp, màu tự nhiên chiết xuất từ trái dành dành, chất điều chỉnh độ a xít, chất làm dày, màu tự nhiên…
Đáng ngạc nhiên là ở các loại nước mắm Nam Ngư và Chin Su thì thành phần chính chỉ là “tinh cốt cá” và “hương cá” nhưng không ghi rõ là bao nhiêu.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm phía VN, việc một sản phẩm không để rõ hàm lượng bao nhiêu là cách đánh đố người tiêu dùng. "Nếu chỉ ghi có “tinh cốt cá cơm” thì một giọt cũng coi như đã có rồi. 1 giọt tinh cốt cá cơm đó nếu có, nhỏ vào trong 1 lít nước mắm hay cả chục lít chẳng hạn, thì chất lượng “cá cơm” ở đâu? Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hóa chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm", bác sĩ Trần Văn Ký nhận xét.
Chia sẻ trên báo Một thế giới, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học công nghiệp TP HCM cho hay, đối với nước mắm truyền thống thì 100% là đạm từ cá, không chất tạo màu, tạo hương, chất bảo quản… như trong nước mắm công nghiệp. Chính việc không ghi độ đạm của một số nhãn hiệu nước mắm công nghiệp khiến người tiêu dùng không biết rõ nguồn đạm được bổ sung trong đó là loại đạm gì, có đạm cá hay chỉ hoàn toàn là đạm bổ sung từ bên ngoài và đạm bổ sung từ bên ngoài là đạm gì.
Nếu sử dụng đạm tổng hợp, tức là bổ sung nguồn nitơ từ urê, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Còn nếu việc bổ sung axit amin bằng cách lên men đậu nành sống cũng chứa nguy hiểm, vì trong thành phần đậu nành sống có một số chất độc tố gây nguy hại cho sức khỏe như: gây bướu cổ, tổn thương gan, kìm hãm sự phát triển. Hay bổ sung axit amin bằng cách lên men từ đậu nành chín cũng khiến người tiêu dùng tăng nguy cơ khả năng mắc một số bệnh về tuyến tiền liệt.
Đó là chưa kể trong chất tạo màu, có chất tạo màu dùng cho thực phẩm, chất tạo màu dùng cho công nghiệp, trong khi đó chất tạo màu dùng trong thực phẩm đắt hơn so với chất tạo màu dùng trong công nghiệp từ 10 đến 100 lần. Nếu vì lợi nhuận, nhà sản xuất dùng chất tạo màu trong công nghiệp cho nước mắm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi chất tạo màu trong công nghiệp có hàm lượng kim loại nặng, nếu sử dụng lâu ngày sẽ phát sinh nhiều bệnh mạn tính.
Hồng Liên (Tổng hợp)