Còn nửa tháng nữa mới đến mùa thu hoạch trám đen nhưng một số thương lái đã tìm về khu vực Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Kạn để mua hạt.
Người dân cho biết, việc thu mua quả, hạt và nhựa trám vẫn diễn ra theo mùa. Song 2 năm trở lại đây, không chỉ có thương lái địa phương mà cả thương lái Trung Quốc cũng sang tìm mua. Họ thường săn tìm loại hạt từ 2 cm trở lên. Giá mua lẻ loại này lên đến 100.000 đồng một hạt, còn bán theo kg là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
|
Người dân cho biết thương lái Trung Quốc lùng mua hạt trám đen 2 cm với giá 100.000 đồng một hạt. Ảnh: Ngọc Lan. |
Gom hàng bán cho thương lái nhưng phần lớn người dân không biết về giá trị của loại hạt này. Theo anh Lê Đức Toàn, chủ đồi trồng trám ở Vĩnh Phúc, trám đen hạt to chỉ có loại mọc tự nhiên lâu năm trong rừng, nhưng năng suất rất thấp. Trám trồng ở địa phương là loại ghép, nhanh cho thu hoạch hơn.
Gần đây, khi thấy thương lái từ các nơi về mua loại này, nhiều người kéo nhau vào rừng nhặt về bán, song số lượng kiếm được rất ít. "Nông dân trồng trám để thu hoạch quả tươi. Còn hạt có giá trị rất thấp. Gần đây, thấy thương lái về thu mua hạt to giá cao, tôi cũng chọn những quả to nhất để lấy hạt bán. Tuy nhiên, 3 ha trám chỉ thu được khoảng 2-3 kg", anh Toàn cho biết thêm.
Ông Trần Văn Dũng, chủ rừng trám 2 ha ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, hạt trám thông thường có kích cỡ 1-1,2 cm, hiếm loại nào to trên 2 cm. Mọi năm, đến mùa thu hoạch, ông thường tách lớp thịt quả bán giá 150.000 đồng/kg.
Còn hạt, ông đem phơi khô, bán cho thương lái trong nước chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. "Thấy giá cao nên tôi nhặt hạt bán, chứ không biết họ mua về làm gì", ông Dũng cho hay. Anh T., ở Vĩnh Phúc cũng đăng tin thu mua hạt trám trên trang cá nhân. Nhưng loại to từ 2 cm trở lên anh chỉ thu với giá 40.000 đồng/kg hoặc 20.000-30.000 đồng một hạt. Anh bật mí, sau khi gom từ người bán lẻ, anh bán cho thương lái Trung Quốc giá 100.000 đồng hoặc 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Cũng nhờ làm đầu mối cho thương lái bắt đầu từ mùa trám năm trước, anh thu lời khá. "Năm nay, mặc dù chưa đến mùa nhưng một thương lái Trung Quốc đã gọi điện đặt hàng, với số lượng không giới hạn", anh T. cho hay. Còn chị Vũ Thị Dung ở Lạng Sơn cũng chia sẻ, năm trước, người Trung Quốc đến chợ Đông Kinh hỏi mua hạt trám loại to với giá 100.000 đồng một hạt. Nhiều người dân địa phương đã kéo nhau vào rừng tìm hạt này về bán.
Đại diện một công ty dược ở Sapa từng đăng tin mua hạt trám đen to với số lượng 1.600 tấn, giá là 720.000 đồng/kg thông tin, hạt trám có nhiều tác dụng. Nhân hạt (màu trắng) thơm, ngậy nên thường để làm nhân bánh, ép tinh dầu.
Vỏ hạt rất cứng, màu đẹp và bền, sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ như vòng đeo tay, hạt vòng có giá trị tương đối cao. Đơn vị này cho biết thu mua số lượng lớn để làm sản phẩm dược liệu và cung cấp nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ cho một số doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, hạt trám phải đủ các tiêu chuẩn khắt khe như có đường kính hạt 2-3 cm với trám đen và từ 1,5 cm với trám trâu. Ngoài ra, các tiêu chí khác là vỏ hạt sạch, hạt già, đầu hạt không nứt, vỏ xanh - sạch và không đen thâm... Sau một năm thử nghiệm, số lượng không đáng kể, khó đạt tiêu chuẩn của mối hàng, nên công ty đã ngừng lại việc thu mua. Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), cây trám chỉ được trồng nhỏ lẻ theo một số hộ dân, chưa phải cây trọng điểm trong vùng.
Cũng vì thế, mức giá bán các sản phẩm quả, nhựa, hạt… đều theo thỏa thuận giữa người bán và mua. Đại diện địa phương này cho rằng, việc thương lái thu mua nhỏ lẻ trong một vài hộ gia đình, chưa phổ biến nên hiện chính quyền chưa nhận được phản ánh của người dân về việc thương lái lạ tới thu mua hạt trám với giá cao.
Ông Trương Mạnh Dũng, đại diện ban quản lý chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) phủ nhận việc thương lái Trung Quốc tới thu mua hạt trám với giá cao ở chợ. “Chợ Đông Kinh chỉ kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng gia đình như quần áo, dày dép; không buôn bán hàng lâm thổ sản”.
Theo Zing